1. Biker chuyên nghiệp

    Trẻ em cần được xem như người lớn đã tiêm đủ vaccine

    Thảo luận trong 'Chuyện trò' bắt đầu bởi , 15 Tháng mười 2021.

    Hướng dẫn tạm thời mới nhất của Bộ Y tế về chuyên môn khi Việt Nam thích ứng với dịch Covid-19 vừa qua đã yêu cầu các địa phương không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân. Do có nguy cơ lây nhiễm và diễn biến nặng thấp nên trẻ em không nằm trong nhóm được tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, quyền đi lại của nhóm này vẫn cần được đảm bảo.

    Tuy nhiên, thời gian qua, việc chứng minh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi bệnh Covid-19 vẫn là những yêu cầu bắt buộc khi người dân di chuyển giữa các địa điểm khác nhau, nhất là với phương tiện máy bay. Trong khi đó, tính tới trước ngày 14/10, trẻ dưới 18 tuổi vẫn chưa nằm trong nhóm đối tượng được tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam.

    Bất cập này gây ra nhiều khó khăn cho các gia đình có trẻ nhỏ trong những chuyến đi mang tính thiết yếu. Các chuyên gia y tế cũng đề xuất chính quyền nên có quy định cụ thể hơn để tránh ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

    Đảm bảo quyền lợi chính đáng
    Trao đổi với Zing, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, khẳng định nhóm không được tiêm theo quy định của Nhà nước cần được đảm bảo về quyền lợi. Cụ thể, trẻ em dưới 18 tuổi cũng phải được đối xử như người lớn đã tiêm đủ liều vaccine.

    “Về quyền con người, việc chúng ta loại một dịch vụ y tế khỏi họ nhưng lại dựa vào yếu tố đó để phân biệt rõ ràng là không đúng”, vị chuyên gia này nói.

    Tre em can duoc xem nhu nguoi lon da tiem du vaccine
    Một gia đình có trẻ nhỏ chuẩn bị xuất phát từ Ga Sài Gòn sáng 13/10. Ảnh: Y Kiện.

    Theo ông Dũng, trước đây, người dưới 18 không nằm trong nhóm ưu tiên được tiêm vaccine Covid-19 vì đặc điểm hệ miễn dịch của trẻ. Các nhà khoa học cho rằng trẻ ít có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 hơn. Nếu nhiễm, trẻ cũng ít có nguy cơ diễn biến nặng và tử vong hơn người lớn.

    “Dựa trên điều này, trẻ dưới 18 tuổi cũng tương tự người lớn được tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19”, PGS Dũng nói.

    Trên thực tế, tỷ lệ mắc Covid-19 của trẻ cũng rất thấp. Số lượng người dưới 18 tuổi tử vong do SARS-CoV-2 cũng không cao so với những nguy cơ khác.

    Trưởng khoa Y tế Công cộng nêu ví dụ tại một số quốc gia thuộc châu Âu, người lớn khi có nhu cầu nhập cảnh sẽ được yêu cầu tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, nếu không sẽ phải xét nghiệm và cách ly. Tuy nhiên, trẻ dưới 18 tuổi, chưa tiêm vaccine, đi cùng bố mẹ đã tiêm vaccine, vẫn có thể nhập cảnh.

    PGS Dũng kết luận: “Dựa trên cơ sở đó, chúng ta có thể để xuất một quy định cụ thể hơn liên quan trường hợp không được tiêm vaccine phòng Covid-19 do quy định của ngành y tế thì nên được xem như đã tiêm đủ liều”.

    Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng tỷ lệ trẻ em nhiễm nCoV và mắc Covid-19 rất thấp.

    “Người dưới 18 tuổi chưa được tiêm vaccine nhưng khi đi cùng gia đình cũng không thể tách trẻ ra. Nếu cần thiết, chúng ta có thể xét nghiệm với người lớn trong gia đình”, vị chuyên gia này đề xuất.

    Ngoài ra, theo ông Hùng, dù đã tiêm vaccine Covid-19 hay chưa, trẻ dưới 18 tuổi và người lớn đều phải tuân thủ các quy định về phòng dịch như 5K, giữ trật tự, đeo khẩu trang, sát khuẩn, duy trì khoảng cách..., trong quá trình di chuyển.

    Tạo điều kiện đi lại cho người dân
    Với các trường hợp trên 18 tuổi nhưng chưa được tiêm vaccine Covid-19 do nguyên nhân khách quan như thiếu vaccine, chưa phân bổ kịp tới địa phương, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng việc di chuyển lúc này là không nên. Nguyên nhân là bản thân những người này chưa được bảo vệ.

    “Việc này cũng nêu lên trách nhiệm của chính quyền và y tế địa phương khi họ phải cung cấp đủ vaccine cho người dân, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao và nhu cầu đi lại thực sự”, vị chuyên gia nhận định.

    Tre em can duoc xem nhu nguoi lon da tiem du vaccine - 2
    Nhân viên y tế tại Bình Dương lấy mẫu xét nghiệm cho người dân có nhu cầu rời thành phố. Ảnh: Phạm Ngôn.

    Trong trường hợp bất đắc dĩ, một số người có nhu cầu công việc phải di chuyển (ví dụ trường hợp lái xe đường dài, liên tỉnh), các địa phương có thể yêu cầu xét nghiệm cho nhóm này để bảo vệ chính họ và cộng đồng nhưng vẫn tạo điều kiện đi lại cho người dân.

    Trong khi đó, PGS Nguyễn Việt Hùng bổ sung việc yêu cầu xét nghiệm tràn lan trong thời gian qua là không cần thiết. Việc làm này chỉ nên dành cho trường hợp nghi ngờ hoặc về từ vùng có nguy cơ cao, khu vực phong tỏa.

    “Theo kết quả thực tế, tỷ lệ nhiễm nCoV tại vùng xanh, vùng vàng rất thấp. Do đó, việc yêu cầu xét nghiệm khi người dân đi lại không mang nhiều giá trị, gây lãng phí và phiền toái”, ông Hùng nói.

    Trong hướng dẫn mới đây, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân. Đồng thời, chỉ thực hiện xét nghiệm trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

    Với người đã tiêm đủ liều vaccine và khỏi bệnh Covid-19, các tỉnh, thành phố chỉ xét nghiệm khi: Có yêu cầu điều tra dịch tễ; Trường hợp cách ly, theo dõi y tế; Người đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hay cách ly y tế vùng (phong tỏa).

    Ngày 14/10, Bộ Y tế cũng đã có văn bản số 8688/BYT-DP về việc tiêm phòng vaccine Covid-19 cho trẻ em 12-17 tuổi. Việc tiêm phòng được thực hiện theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho trẻ từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

    Source: Zing.vn
    2banh
    2banh.vn