Kể từ ngày 1-6 năm nay xe máy điện khi mua mới sẽ phải thực hiện đăng ký biển số xe và người tham gia giao thông trên xe máy điện sẽ phải bắt buộc đội nón bảo hiểm theo quy định của Bộ Công an. Vì thế sức tiêu thụ các sản phẩm này hiện tương đối chậm. Siết chặt quản lý xe máy điện là cần thiết để tránh việc sử dụng không đảm bảo chất lượng Chủ cửa hàng bàng quan Tại đại lý xe đạp, xe máy điện lớn trên phố Bà Triệu, trưa ngày cuối tuần chỉ lác đác khách tới xem. Cửa hàng chỉ trưng bày 2 chiếc xe máy điện, nhãn hiệu Momentur. Anh Tùng (chủ cửa hàng) cho biết: Xe máy điện chính hãng chạy được 50km mới phải sạc điện 1 lần. Ắc quy xe chạy được khoảng 20 tháng mới phải thay mới. Cửa hàng bảo hành xe 1 năm. Giá bán “hữu nghị” là 12 triệu đồng/chiếc. Theo chủ cửa hàng này, xe máy điện khá thích hợp với người già và học sinh phổ thông bởi kiểu dáng nhỏ gọn, thời trang. Vận tốc tối đa lên tới hơn 50km/h. Khi được hỏi về các thủ tục đăng ký xe sắp tới phải thực hiện, anh Tùng nói: “Tôi có nghe nói nhưng hình như đó mới là dự thảo, chưa phải thực hiện nên không phải lo”. Cùng chung tình trạng vắng khách này, cửa hàng xe điện Giant đối diện CT1 Trung Văn (Nam Từ Liêm) dường như không có khách hỏi mua xe máy điện. Giá bán các loại xe ở đây cũng cao, gần 17 triệu đồng/chiếc. Vận tốc tối đa của xe cũng đạt tới hơn 50km/h. “Tôi biết vài ngày nữa xe máy điện phải đăng ký biển số và áp dụng các biện pháp quản lý, nhưng chắc cơ quan quản lý chưa thực hiện ngay đâu. Khách hàng có ý thích thì cứ mua, không phải lo lắng về thủ tục”, chủ cửa hàng này cho biết. Trong khi đó, Thông tư 15 của Bộ Công an có hiệu lực từ 1-6 tới đây quy định, xe máy điện bắt buộc phải đăng ký biển kiểm soát mới được phép lưu thông. Theo đó, người bán xe phải khai báo bằng văn bản và gửi tới cơ quan đăng ký xe. Việc xin xác nhận của chủ sở hữu phương tiện tại công an nơi cư trú để đi đăng ký khi phương tiện bị mất giấy tờ, mua bán qua nhiều đời chủ phải có 2 tờ khai theo mẫu. Chủ phương tiện sẽ giữ một tờ khai, còn cơ quan Công an giữ 1 tờ khai. Chủ phương tiện mua bán lại xe, khi đăng ký sang tên đổi chủ chỉ phải mang tờ khai này đến cơ quan đăng ký để làm thủ tục chứ không phải đến công an để làm lại xác nhận. Từ cuối tháng 5 này, công tác tuyên truyền nội dung thông tư này đã được thực hiện rộng rãi đến nhiều cơ sở kinh doanh xe điện cũng như người dân. Anh Nguyễn Trí Tôn, nhà ở đường Đỗ Đức Dục, khách hàng xem xe tại cửa hàng xe Giant đối diện CT1 Trung Văn cho biết: “Các phương tiện truyền thông đã nói rất nhiều về việc đi xe máy điện phải đăng ký. Tôi nghĩ đây là việc cần thiết vì phương tiện đi lại này ngày càng phổ biến, cũng có nguy cơ gây tai nạn như những phương tiện khác. Bên cạnh đó, việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy điện không phải là sự áp đặt hành chính, mà là việc cần thiết vì an toàn của người điều khiển phương tiện có vận tốc khá cao này”. Cùng chung quan điểm này, chị Mai Thị Thu Hằng (nhà ở phố Khâm Thiên) cho hay: “Thông tư mới chắc chắn là vì sự an toàn của người điều khiển phương tiện và khi đã được tuyên truyền, phổ biến, người dân chúng tôi đều biết thì các cơ quan quản lý sẽ xử phạt nghiêm minh. Tôi cũng có ý định mua xe máy điện cho con gái học phổ thông, nhưng tôi sẽ chờ sau ngày 1-6 xem thủ tục đăng ký thế nào để làm đầy đủ cho yên tâm”. Quy định là cần thiết Thái độ bàng quan của các chủ cửa hàng là một trong những nguyên nhân khiến sức tiêu thụ sản phẩm xe máy điện có dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây. Bởi thông thường như với xe máy, đại lý bán hàng có thể giúp khách đăng ký luôn cho gọn nhẹ, thì xe máy điện lại chưa có dịch vụ đó, thậm chí cửa hàng còn “trấn an” khách hàng bằng cách phớt lờ quy định. Tuy nhiên, người dân đã hiểu và ủng hộ quy định này nên họ có tâm lý nghe ngóng. Trao đổi với phóng viên ANTĐ, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu ngành về sản xuất xe đạp, xe đạp điện trong nước cho biết, xe máy điện trên thị trường Việt Nam hiện nay hoàn toàn là xe ngoại và chưa được đánh giá đầy đủ về chất lượng, sự an toàn. “Hầu như không có doanh nghiệp trong nước nào sản xuất xe máy điện bởi tiêu thụ rất chậm. Cách đây vài năm, sản phẩm này rất hút khách, có nhiều kiểu dáng giống như xe máy chạy xăng: Attila, Spacy… nhưng gần đây, sau một thời gian sử dụng, khách hàng thấy độ bền của xe không cao, giá đắt lại tốn điện nên họ đắn đo. Bên cạnh đó, xe nhìn thì nhỏ gọn nhưng dắt lại khá nặng, thời tiết mưa ẩm của Việt Nam khiến xe nhanh hỏng, không có bàn đạp để khởi động, người dùng phải dắt bộ thì rất bất tiện”- vị lãnh đạo này cho hay. Cũng theo ông này, quy định bắt buộc phải đăng ký biển số cho xe máy điện là cần thiết, bởi vì tốc độ của xe, sự an toàn của người điều khiển cần được lưu tâm. Theo anninhthudo