Với tình hình mật độ xe cộ đông ở các thành phố lơn như hiện nay thì vấn đề qua đường tưởng chừng như đơn giản lại là một vấn đề nan giải. Sợ hơn... vác súng ra chiến trường Vừa được chúng tôi dẫn qua giao lộ Thủ Khoa Huân - Lê Thánh Tôn (Q.1, TP.HCM), ông Duke Godwin (đến từ Thụy Sĩ) thở phào: “Hình như vạch kẻ đường của bạn chỉ vẽ để trang trí. Dù có đèn tín hiệu hay không, xe cộ vẫn liên tục lưu thông nên chúng tôi không thể nào đi sang được đường bên kia”. Ông Duke Godwin cho hay trước khi sang VN du lịch, ông đã lên mạng tìm hiểu, học kinh nghiệm về chuyện... đi bộ ở VN. Người đi bộ phải đi thành nhóm để có thể qua đường Tuy nhiên, sau 2 tuần ở TP.HCM và Hà Nội, vị khách từng đi du lịch nhiều nước trên thế giới đúc kết: “Ở VN, chúng tôi không có nhiều chỗ trống trên vỉa hè để đi bộ. Thỉnh thoảng còn phải xuống lòng đường đi chung với xe cộ. Còn qua đường thì thật khủng khiếp! Có người bảo: cứ bình tĩnh, hiên ngang mà đi như người VN, mọi phương tiện sẽ tránh bạn. Nhưng đừng dại dột nghe theo. Dù đèn xanh cho người đi bộ đã sáng nhưng vẫn phải quan sát tứ phía, xe máy vẫn rẽ trái, rẽ phải ào ào... Vì vậy, não bộ phải xử lý như một cái máy, tự tránh anh nào đang vừa lái xe vừa nhắn tin điện thoại, chú ý anh nào vừa chạy vừa kiếm số nhà, đoán hướng bác nào bị che chắn tầm nhìn không thấy mình... để quyết định đứng im, chạy, nhảy, đi thụt lùi hay từ từ tiến tới. Những chỗ không có đèn tín hiệu thì còn dễ sợ hơn là vác súng ra chiến trường. Sơ sảy một chút là có thể chết trong vòng vây xe cộ đen kịt đến nghẹt thở”. Ngày 23.9 vừa qua, ông Blankenstein (46 tuổi, quốc tịch Hà Lan) băng qua đường tại khu vực có vạch kẻ trắng dành cho người đi bộ trên đường Bùi Thị Xuân (Q.1) thì bất ngờ bị một người điều khiển xe máy tông vào khiến ông té ngã ra đường. Ngay lúc đó, một xe máy khác chạy hướng ngược lại không tránh kịp tiếp tục đụng vào ông. Hai cú va chạm liên tiếp khiến ông Blankenstein bị thương khá nặng, cổ không thể cử động. Đặc biệt, vụ tai nạn xảy ra với bà Miyamoto Michiko (50 tuổi, quốc tịch Nhật Bản) vào chiều 30.9 quá thương tâm. Bà Michiko (bị khuyết tật) đi xe buýt đến khu vực trung tâm, rồi định đón thêm một tuyến xe buýt nữa về nhà ở Q.7. Khi đến Trạm điều hành xe buýt Bến Thành, bà Michiko xuống xe chống nạng đi bộ qua đường nhưng bất ngờ bị trượt té xuống đường. Đúng lúc này một chiếc xe buýt vừa trả khách xong chạy tới không thắng kịp đã cán qua người khiến bà Michiko tử vong tại chỗ. Qua đường đúng vạch xe cộ vẫn không nhường đường Những lo lắng, bất an của nhiều người nước ngoài khi đến VN về vấn đề giao thông ở những TP lớn với lượng phương tiện đông đúc là có cơ sở. Mỗi khi bước chân ra đường, nỗi ám ảnh rủi ro tai nạn luôn rình rập bất cứ ai và bất cứ lúc nào. Vì vậy, mới có chuyện du khách kháo nhau rằng nếu du lịch mạo hiểm chưa đủ thì cứ đến VN mạo hiểm với giao thông! Cho trèo qua dải phân cách ? Không chỉ có du khách nước ngoài mà ngay cả người dân ở các thành phố lớn, mỗi khi cần băng ngang đường cũng phải nín thở. Ngoài việc đi thành nhóm, người đi bộ phải dùng mọi phương tiện có thể như giơ cao tay, vẫy nón, vẫy khăn, thậm chí có người phải thổi còi báo hiệu mới qua đường được. Nghị định 71/2012 (sửa đổi một số điều của NĐ 34/2010/ của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ) quy định phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với hành vi “Chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho: người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Chuyển hướng không nhường đường cho: người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ”. Tuy nhiên, hành vi không nhường đường cho người đi bộ chưa thấy bị xử phạt. Luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: Quyền của người đi bộ được ưu tiên lưu thông khi đi trên vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, các phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường đã được pháp luật quy định tại khoản 4 điều 11 luật Giao thông đường bộ năm 2008. “Nhưng trên thực tế quyền này không được tôn trọng. Không ai nhường đường nên dù đi đúng vạch hay không đúng vạch kẻ đường dành cho người đi bộ cũng không khác gì nhau. Người đi bộ vẫn phải căng thẳng đầu óc, len lỏi giữa dòng xe cộ vì không ai nhường đường”, luật sư Quý nói. Người đi bộ hoảng hốt mỗi khi phải qua đường Hơn nữa, việc cơ quan chức năng bố trí phần đường dành cho người đi bộ không hợp lý, thiếu khoa học đã góp phần vào tình trạng người đi bộ vi phạm luật, qua việc vẽ vạch kẻ đường cho người đi bộ ở bất cứ đâu. Trên đường phố, đôi khi vẫn thấy những vạch kẻ đường dành cho người đi bộ cho trèo qua dải phân cách vi phạm luật như trên đường Phạm Hồng Thái (Q.1), Cộng Hòa (Q.Tân Bình)...