Xe máy, sau 20 năm bùng nổ, trở thành đôi chân của hầu hết người dân. Trưa hè Hà Nội oi nồng trên chiếc Air Blade, Nguyễn Nam cố phóng thật nhanh về nhà. Bỗng giọng phụ nữ gọi giật phía sau: "Này". Anh quay lại, thấy một "ninja nữ" đi xe tay ga, đội mũ bảo hiểm, đeo kính râm, khẩu trang che miệng. Bộ đồ chống nắng hoa cà trùm đầu, kín tận gót chân. Mất lúc lâu, Nam không trả lời. Anh nhăn trán như bận suy đoán người gọi mình là ai. "Không nhận ra nhau à. Hay tưởng em nào?". "Ô. Em", mặt Nam giãn ra. Anh cười như trẻ con giải xong câu đố. Hóa ra là vợ anh, người ít nhất hai lần cho chồng rơi vào đòn cân não kiểu này. "Không thể giao tiếp bình thường khi cô ấy mặc như vậy. Cứ như đang trò chuyện với người lạ", Nam nói. Trang phục "ninja" những ngày nắng nóng. Ảnh: Hoàng Hà. Trên đường Hà Nội, Huế, Sài Gòn và khắp Việt Nam, có hàng triệu phụ nữ như vợ Nam. Họ, mỗi ngày mất 20 phút chọn màu mắt màu môi và trả lời câu hỏi áo nào đi với quần nào, thậm chí đủ tiền để không mặc trùng trong tuần. Nhưng tới khi ra khỏi nhà, tất cả lại giống nhau ở bộ đồ hoa bí ẩn. Áo chống nắng, đúng như tên gọi, đang là trang phục được sử dụng nhiều nhất. Ở ngõ nhỏ xa đường ôtô chợ Thành Công (Hà Nội), chủ tiệm Mai Phương (28 tuổi) mỗi ngày bán 5-6 bộ vào đợt chuyển mùa với giá trung bình 200.000 mỗi bộ. Cô bán từ ngày áo chống nắng mới sơ khai. Giờ đây cải tiến thành trùm đầu, thêm chân váy, xỏ ngón tay hay bất cứ cái gì cần che. Mấy năm nay còn cả bộ "chống lạnh" kín hơn cả chống nắng. "Chúng là thứ giữ mốt lâu nhất đó nhé. Đừng đùa", Phương hóm hỉnh. Trang phục đi ngược xu thế thời trang này chỉ là một phần trong những dấu ấn mà nền văn minh xe máy đã và đang tạo nên quanh nó, giống như trang web The Truthaboutcars của Mỹ nhận xét: "Xe máy là trung tâm văn hóa Việt Nam. Mọi thứ đều xoay quanh phương tiện nhỏ bé này". Những năm cuối thế kỷ 20, các nhà quản lý có cơ hội lựa chọn ôtô hay xe máy làm phương tiện giao thông chính. Không có văn bản khuyến khích, nhưng chính sách thuế đánh vào hai mặt hàng này thể hiện sự ưu ái. Ôtô liệt vào dạng "hạn chế sử dụng" bằng thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong khi xe máy thì không. Hình ảnh giao thông sài gòn xưa Dưới sự ủng hộ gián tiếp và thu nhập người dân tốt hơn, xe máy thành ốc đảo ngập nước giữa sa mạc. Nhu cầu đi lại cao của một nước đang phát triển được thỏa mãn gần như không kiềm chế. Chưa đầy hai thập kỷ, phương tiện này đạt con số cộng dồn 37 triệu, tương đương mỗi gia đình 1,5 xe và gấp tới 19 lần lượng ôtô. Việt Nam thành thị trường lớn thứ tư thế giới, chỉ đứng sau các nước đông dân Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Nguyên nhân bởi xe máy có độ linh động không phương tiện nào bì kịp. Có thể xuyên con ngõ rộng chưa đầy một mét. Lách qua hai ôtô để chiếm chỗ "ngon" hơn ở đèn đỏ. Leo vỉa hè tránh đám đông. Sáng chở trẻ con đi học, đưa phụ nữ đi chợ và tối giúp đàn ông gặp bạn bè ở quán nhậu.Chúng thành "đôi chân" của gần như tất cả. Ngay sau ngày mất trộm chiếc Lead, Vân Anh, sinh viên năm 2 Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn viết trên facebook: "Có phép màu nào giúp tôi vào ngày mai, khi mà 6h30 đi làm đến 14h30 và 15h có mặt ở sân vận động học thể dục. Chân tôi như bị cụt vậy". Câu trả lời có phải là xe buýt? Ở Việt Nam không nhiều người chọn cách đó. Sáng hôm sau Vân Anh đi làm thêm bằng xe ôm, nhờ bạn chở tới trường bằng xe máy. Vài ngày sau vẫn vậy. Cho tới khi cô có chiếc khác thay thế. Dòng xe máy tại một ngã tư Việt Nam. "Việc gì phải đi buýt nếu bằng cách nào đó có xe máy. Cũng như bạn đâu phải mất công tán tỉnh nếu có thể bỏ tiền mua. Tiện lợi cá nhân nếu được xổng chuồng sẽ khó lòng bắt lại. Thế nên chính sách về xe máy ở Việt Nam luôn là thứ nhạy cảm nhất. Ai cho phép người ngoài kìm kẹp đôi chân mình", chuyên gia về giao thông Nguyễn Hồng Anh, người có nhiều kinh nghiệm làm việc ở châu Âu, phân tích. Trước khi được bố mẹ mua xe máy, Vân Anh đi học bằng xe buýt. Nhưng khi có xe, ý nghĩ đó dường như không bao giờ trở lại. Phương tiện công cộng phổ biến ở nước phát triển bị coi là thứ yếu ở Việt Nam. Xe buýt, dù được đích thân Bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng cổ vũ, vẫn giống kẻ đi nhờ trong dòng xe máy tấp nập. Một buổi sáng sáu tháng sau ngày bị bà xã tung hỏa mù, Nguyễn Nam tới công ty và tình cờ nhìn thấy vết thương hình quả trám trên bắp chân cô đồng nghiệp. "Em bị bỏng pô à", anh hỏi. "Vâng, mới chiều hôm qua". Nam nhớ ra anh cũng có hai vết như thế, một chân trái, một chân phải hồi mới mua xe máy. Vợ anh, mẹ anh, em gái anh và hình như nhiều đồng nghiệp khác không là ngoại lệ. Chỉ vào viết thương đã liền, mờ đi nhưng vẫn đủ thấy từ xa, Nam nói: "Dấu ấn của xe máy đấy. Khi nào chúng ta được đi ôtô?". Nguồn: vnexpress