Việc thường xuyên phải tham gia giao thông và hít phải khí thải động cơ có thể là mầm mống dẫn đến những nguy cơn nguy hiểm cho con người như phá hủy sự phát triển của phôi thai, bệnh phổi và đặc biệt là ung thư mà ít người lường trước được. Xe máy hại hơn ô tô Các nhà khoa học Nhật Bản ở Đại học Kanazawa đã đưa ra kết luận so với khí thải ô tô, khí thải xe máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn và gây nguy hiểm hơn cho con người. Phần lớn khí thải độc hại là các hydrocacbon - các sản phẩm đốt cháy và chế biến xăng dầu, than, gỗ, rác, thực phẩm, thuốc lá. Chúng ảnh hưởng đến chuyển hóa các hormon sinh dục ở người. Chúng có những thuộc tính gây đột biến gen và teratogen, phá hủy sự phát triển của phôi thai. Đây là điều được biết đến từ khá lâu nhưng cho đến nay khoa học vẫn chưa tìm ra phương pháp xác định nồng độ của các hợp chất đó trong môi trường và trong cơ thể người. Cũng trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, chính xe máy tạo ra nhiều phần tử nguy hiểm hơn ô tô. Hơn nữa, hydro cacbon trong khí thải xe máy gây đột biến gen cao hơn so với khí thải từ các loại động cơ khác. Trong khi đó, con người rất dễ hít phải khí thải từ động cơ diesel trong môi trường sống hằng ngày, từ các loại ô tô, động cơ khác như xe lửa, tàu thuyền hay các máy phát điện chạy bằng động cơ diesel. PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, thành phần khí thải như thế nào phụ thuộc vào động cơ và nguồn nhiên liệu nạp vào. Khí thải của ô tô và xe máy là khác nhau, trong đó động cơ ô tô làm cho nhiên liệu cháy triệt để hơn so với xe máy, vì thế xe máy thải ra môi trường nhiều chất độc hại hơn. Quá trình đốt cháy nhiên liệu chính là quá trình phân giải các chất hữu cơ. Quá trình này ở xăng cho ra rất nhiều loại tạp chất khác nhau. Thành phần khí thải này phụ thuộc cả vào chất lượng động cơ. Xe máy càng cũ, việc đốt cháy triệt để nhiên liệu càng bị giảm đi, khí thải độc hại vì thế ngày càng nhiều. Để bảo vệ môi trường thì nhiều nước đã hạn chế sử dụng xe máy. Hydro cacbon trong khí thải xe máy gây đột biến gen cao hơn so với khí thải từ các loại động cơ khác. Phòng độc bằng khẩu trang Theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư, trong đó nguyên nhân tiếp xúc nhiều với môi trường khói xe cũng là tác nhân quan trọng dẫn tới bệnh này. Những người làm công việc đặc thù như cảnh sát giao thông, xe ôm, người di chuyển thường xuyên trên đường có nguy cơ nhiễm bệnh từ khói bụi cao hơn những người khác. PGS.TS Phạm Văn Nho, Trung tâm Khoa học Vật liệu, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, các loại "bụi quấy rối" tức là các dạng phần tử treo trong không khí trong quá trình sản xuất nông nghiệp, các loại bụi này không chứa bào tử và hít vào có biểu hiện dị ứng, tái diễn, lâu ngày làm giảm trao đổi oxy và làm cho người ta có nguy cơ dễ mắc bệnh khác về phổi. Các chất khí như NO2, H2S, amoniac (NH3), CO2 và methane (CH4) sinh ra trong quá trình sản xuất nông nghiệp, từ phân bón tự nhiên hay hoá học... đều có thể xâm nhập vào đường thở. Theo các chuyên gia, với loại khẩu trang than hoạt tính, dựa trên cơ chế màng lọc giữ lại vi khuẩn thì tấm than hoạt tính này sẽ phải được làm vệ sinh thường xuyên như phơi nắng, sấy khô, giặt lớp vải thường xuyên. Chỉ dùng khẩu trang than hoạt tính ở nơi có khói, bụi đường... Than hoạt tính là chất hấp thụ chất độc hại trong không khí và trong nước. Khẩu trang nano bạc có thể tiêu diệt vi khuẩn khi chúng bám vào, tuy vậy cũng cần phải thay tấm nano bạc sau 6 tháng sử dụng và thường xuyên phơi nắng sau khi dùng. Với khẩu trang nano titan, vi khuẩn chỉ chết khi có tác động của ánh sáng, vì thế chỉ sử dụng loại khẩu trang này ngoài trời nắng. Để che chắn khói bụi, đa số người tham gia giao thông sử dụng khẩu trang vải thông thường. Trên lý thuyết, chúng sẽ che bụi đường, che nắng nhưng cũng có thể là tác nhân gây thêm bệnh cho người dùng. Thành phần của khí thải đa phần là các loại khí, tồn tại ở dạng rất nhỏ. Theo kienthuc