1. Biker tích cực

    Nếu các đô thị lớn cấm xe máy vậy chúng ta sẽ đi lại bằng cái gì?

    Thảo luận trong 'Chuyện trò' bắt đầu bởi , 30 Tháng bảy 2014.

    Mình vô tình đọc được bài này trên mạng nên cho lên đây để ae cùng thảo luận nhé. Trong này có nói là 85% người VN đã ko còn thích đi xe máy nửa ko biết chính xác ko ta?? Và nếu các đô thị lớn cấm xe máy vậy chúng ta sẽ đi lại bằng cái gì? Và câu trả lời đơn giản nhất là cấm xe máy thì đi lại bằng các thứ không phải xe máy nhưng làm việc đó như thế nào thì vẫn chưa có câu trả lời. Cùng vào đọc và thảo luận nhé mọi người

    Với hơn 37.000 lượt biểu quyết trên báo về lộ trình cấm xe máy tại các đô thị lớn (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng), 52% bạn đọc chọn phương án "Cần có lộ trình cấm từ bây giờ", 15% chọn "Không nên cấm" và 33% chọn phương án "Chỉ cấm khi có các phương tiện hiện đại thay thế".

    Hơn 37.000 lượt biểu quyết là con số rất cao trong một đợt điều tra xã hội học qua báo điện tử. Nó thể hiện sự quan tâm cao độ của người dân đối với vấn đề này. Về tiêu chí điều tra, nó hoàn toàn đủ tính đại diện.

    Có nghĩa là phần đông (85%) người dân không muốn xe máy làm phương tiện giao thông ở các đô thị tương lai. Không nhiều (15%) người dân muốn mãi mãi giữ giao thông xe máy.

    Neu cac do thi lon cam xe may vay chung ta se di lai bang cai gi
    Người dân đã quá mệt mỏi vì đi xe máy, thậm chí sợ nền giao thông xe máy và nhiều hệ luỵ của nó.

    Kết quả này làm không ít người ngạc nhiên. Không ít người nghĩ là người Việt "yêu" xe máy đến mức không thể hình dung được một đô thị Việt Nam vắng bóng xe máy như ở nước ngoài. Thậm chí người ta còn dùng các cụm từ "nền văn hoá xe máy", "nền văn minh xe máy" khi nói về giao thông đô thị Việt Nam.

    Nghị quyết số 88 năm 2011 của Chính phủ đã đề cập đến lộ trình cấm xe máy tại các đô thị lớn, giao cho Bộ GTVT và các thành phố xây dựng đề án, lộ trình báo cáo Chính phủ, nhưng việc này đến nay còn chưa triển khai. Có thể các cơ quan quản lý của ta nghĩ người dân "yêu" xe máy quá, không nỡ làm cho người dân mất đi sở thích này.

    Nhưng trên thực tế, người dân đã quá mệt mỏi vì đi xe máy, thậm chí sợ nền giao thông xe máy và nhiều hệ luỵ của nó. Người dân không muốn tiếp tục "lấy thịt bọc thép" khi ra đường, mà muốn "lấy thép bọc thịt" cho khoẻ người và an toàn. Người dân không muốn tiếp tục sống với chợ cóc, quán cóc, nơi bán các thực phẩm độc hại, gây bụi bặm, rác rưởi, ruồi muỗi, làm phát sinh bệnh tật, nhất là ung thư.

    Mặc dù vậy, nhiều người vẫn đặt câu hỏi: cấm xe máy thì đi lại bằng gì?

    Trước hết, phải khẳng định rằng để cấm xe máy cần có lộ trình chứ không phải cấm ngay. Lộ trình này có thể kéo dài 10 - 15 năm tuỳ thuộc vào quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước và người dân.

    Câu trả lời đơn giản nhất là cấm xe máy thì đi lại bằng các thứ không phải xe máy. Rất may, có rất nhiều thứ giúp ta đi lại mà không phải là xe máy. Đó là xe buýt, tàu điện, tàu điện ngầm, ô-tô riêng, xe đạp và... đôi chân của chính mình. Không chính phủ nào khi cấm xe máy lại để cho người dân không có phương tiện đi lại cả.

    Ở các thành phố cấm xe máy tại Trung Quốc (Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu) và Myanmar (thành phố Yangon), mọi người đều đi lại bằng các thứ "không phải xe máy" như vậy. Không có ai vì không được đi xe máy mà phải ngồi lỳ ở nhà.

    Ở Hong Kong hay Singapore, nơi gần như không có xe máy, người dân đi lại cũng bằng những phương tiện "không phải xe máy" như vậy. Hai phương tiện đi lại chủ yếu ở Hong Kong và Singapore là tàu điện ngầm (MRT) và xe buýt, chiếm trên 80% lượt đi lại, còn lại là tàu điện, ô-tô riêng và taxi.

    Riêng tại Hong Kong, do có nhiều đường và hẻm nhỏ, có hai loại xe buýt: xe buýt lớn (5.700 chiếc) và xe buýt nhỏ (4.300 chiếc). Xe buýt nhỏ vận chuyển người dân từ các đường và hẻm nhỏ ra bến xe buýt lớn, tàu điện, tàu điện ngầm. Đây là một giải pháp hợp lý cho các đô thị có nhiều đường và hẻm nhỏ.

    Việc cấm xe máy không chỉ thực hiện ở các thành phố có tàu điện ngầm. Yangon (Myanmar) là ví dụ điển hình về việc cấm xe máy khi chưa có tàu điện ngầm. Trên thực tế, chỉ có xe buýt là phương tiện có thể toả đi khắp mọi nơi trong một thành phố và thay thế được xe máy.

    Tàu điện ngầm chỉ hoạt động hiệu quả trên một số trục lớn. Mỗi thành phố thường chỉ có 5-10 tuyến tàu điện ngầm, trong khi đó số tuyến xe buýt thường là hàng trăm tuyến. 01 tỷ USD có thể mua được 10.000 xe buýt, nhưng mới chỉ đủ làm khoảng 10 km tàu điện ngầm. Nếu muốn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có hơn 200 km tàu điện ngầm như ở Singapore, cần trên dưới 25 tỷ USD vốn đầu tư cho mỗi thành phố.

    Khi có xe máy, người dân ít khi dùng đến đôi chân để đi lại. Nhiều người ngồi lên xe máy ngay từ phòng khách và "phi" ra đường. Khi về nhà, cũng "phi" thẳng xe máy vào phòng khách. Nhưng khi không còn xe máy, ít nhiều chúng ta phải dùng đến đôi chân của mình. Không ở đâu ngay trước cửa mỗi gia đình lại có một bến xe buýt hoặc bến tàu điện ngầm.

    Người dân phải đi bộ từ nhà ra bến xe, bến tàu, cũng như đi bộ từ bến xe về nhà. Thường thì thời gian đi bộ giữa nhà và bến xe, bến tàu ở nước ngoài trên dưới 01 km, tối đa 15 phút. Trời nắng, trời mưa đã có dù (ô) che đầu. Người Mỹ, người Pháp, người Úc, người Singapore, người Hong Kong... chấp nhận được thì chắc người Việt Nam ta cũng chấp nhận được.

    Nói tóm lại, khi không có xe máy thì đi lại bằng những thứ không phải xe máy và điều đó đã và đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở hầu hết các thành phố trên trái đất này. Xe máy chưa bao giờ là thứ mà nếu không có nó thì việc đi lại bị tê liệt.

    Vấn đề thực ra không phải ở chỗ cấm xe máy thì đi lại bằng gì, mà cần bao nhiêu thời gian để có đủ các phương tiện giao thông thay thế xe máy. Đây là vấn đề cốt lõi, chính vì nó mà lộ trình cấm xe máy mới cần đặt ra. Cấm xe máy không phải là mục tiêu. Mục tiêu là phát triển giao thông công cộng hiện đại, an toàn, văn minh thay cho xe máy, để người dân được "lấy thép bọc thịt" thay vì "lấy thịt bọc thép" khi đi lại trên đường. Sẽ cần ai đó bỏ tiền đầu tư phát triển các phương tiện giao thông công cộng, chủ yếu là đầu tư vào xe buýt.

    "Ai đó" khả năng sẽ là các nhà đầu tư tư nhân. Nếu chỉ chờ nhà nước đầu tư, sẽ không bao giờ có giao thông công cộng đủ nhiều, đủ tốt thay thế được hoàn toàn xe máy. Về dịch vụ, không có cái gì của nhà nước lại vừa nhiều, vừa tốt cả, ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Ở Hong Kong, cả 5 công ty xe buýt đều là tư nhân. Họ không nhận trợ giá của nhà nước mà còn phải trả tiền nhượng quyền kinh doanh cho nhà nước.

    Khi không phải cạnh tranh với xe máy thì kinh doanh xe buýt có lãi và họ phải mua quyền kinh doanh xe buýt. Nhưng nếu người dân sử dụng xe máy tràn lan, không ai dại dột đầu tư vốn vào xe buýt để lỗ thảm hại (nếu không được nhà nước bù lỗ). Khi nhà nước chưa có lộ trình cấm xe máy, việc thu hút hàng tỷ USD vốn tư nhân vào xe buýt đô thị là vô vọng. Nếu có tiền bạn cũng không làm. Nếu bạn không làm, đừng bao giờ hy vọng ai đó khác sẽ làm.

    Cũng đừng nói kiểu các anh cứ đầu tư thật nhiều xe buýt đi, tôi sẽ tự bỏ xe máy, chuyển sang dùng xe buýt. Không nhà đầu tư tư nhân nào tin điều đó để dốc hầu bao. Nếu Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Yangon bỏ "cấm vận" xe máy, chắc chắc ở các thành phố này xe máy sẽ quay lại kín đường ngay. Xe máy có cái tiện của xe máy và nhiều người thích cái tiện đó.

    Theo VTC​
    2banh
    2banh.vn
    Last edited by a moderator: 30 Tháng bảy 2014