Thông tin “mở cửa hoàn toàn” việc sát hạch, cấp Giấy phép lái xe hạng A2 cho những người có nhu cầu sử dụng xe mô tô phân khối lớn (PKL) đem lại niềm vui lớn cho các “tín đồ” của loại xe này, nhưng cũng làm dấy lên lo lắng về khả năng mất an toàn khi xe mô tô PKL chạy trên những tuyến đường đô thị chật hẹp. Tháng 12, “mở cửa” thi bằng lái xe A2 Ông Nguyễn Văn Quyền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết: Thực hiện các cam kết khi VN ra nhập WTO năm 2007, xe PKL được nhập vào VN không hạn chế. Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng không có quy định hạn chế sử dụng xe PKL. Vừa qua, Bộ GTVT đã sửa đổi, bổ sung Nghị định 258 trình Thủ tướng Chính phủ và mới được Thủ tướng đồng ý không hạn chế các đối tượng được học lấy bằng sử dụng loại xe phân khối lớn trên 175cc. Theo quy định hiện hành, đến nay chỉ có 7 đối tượng được cấp giấy phép lái xe A2 gồm: Công an, quân đội, thanh tra giao thông, quản lý thị trường, kiểm lâm, sát hạch viên và vận động viên mô tô. “Thông tư 46 cũng đang được sửa đổi để không hạn chế các đối tượng được sử dụng xe phân khối lớn trên 175cc, thuộc giới hạn cấp phép của bằng lái xe hạng A2. Theo kế hoạch, Thông tư sẽ được ban hành trong tháng 10 này và trong tháng 12/2013 sẽ có hiệu lực thi hành” - ông Quyền khẳng định. Cũng theo ông Quyền, mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề trên, nhưng không thể chối bỏ một thực tế là nhu cầu ngày càng có nhiều người dân có mong muốn sử dụng chiếc mô tô trên 175cc. Thông tư 46 mở ra cho dân được quyền điều khiển hợp pháp loại xe được rất nhiều người ưa chuộng này, tránh các trường hợp lưu hành xe bất hợp pháp như lâu nay. Còn người vi phạm phải bị xử lý theo pháp luật. Quy định về đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe hạng A2 tại Thông tư 46 yêu cầu không khác gì đối với hạng A1 cấp cho xe dưới 175cm3. Nay Bộ GTVT sẽ sửa đổi theo hướng yêu cầu kĩ năng điều khiển xe PKL phù hợp hơn, yêu cầu cao hơn, để cấp GPLX hạng A2”. Quan trọng là kỹ năng điều khiển Liên quan đến những e ngại như “tầm vóc người Việt Nam nói chung là thấp nhỏ thì liệu có an toàn khi điều khiển loại xe này", anh Hoàng Quang Ngọc – một trong những thành viên đầu tiên của Câu lạc bộ Mô tô thể thao Hà Nội cho rằng, với xe PKL, người có thể hình từ 1m65 trở lên điều khiển sẽ dễ dàng hơn. Song điều khiển loại xe này không phụ thuộc ở vấn đề thể hình, mà hoàn toàn nằm ở kỹ năng người điều khiển. Phụ nữ cũng nhiều người có sở thích và có thể điều khiển loại xe này bình thường. Nhiều người biết chị Mai chủ quán Cà phê Mai ở đầu phố Nguyễn Du chạy “con” Going trên 1000cm3. “Khi có sở thích người ta sẽ trau dồi kỹ năng và không phải ai cũng làm được việc này nên với người đã qua sát hạch lấy được bằng A2 một cách đàng hoàng, thì cơ bản nên yên tâm”- anh Ngọc cho biết. Cũng theo anh Ngọc, không phải cứ xe to là phải chạy nhanh. Xe PKL chạy 20km, 40km/h cũng được. Người lái, sẽ căn cứ vào tình hình đường sá, mật độ phương tiện để kết hợp số và côn tay, xe không bao giờ bị gằn. Phanh xe PKL cũng đơn giản – khi làm chủ tốc độ rồi thì người ta sẽ có quan sát, gặp tình huống phải phanh thì sẽ giảm tốc độ, phanh và dồn xe về số thấp. Về tiếng nổ động cơ xe PKL, anh Ngọc cho biết: “Xe được thiết kế với những cái bô rất chuẩn, tiếng nổ rất êm, người đi bên cạnh có khi không nghe thấy tiếng động cơ. Một số người chơi xe đã “độ” lại bô đồ chơi để được nghe tiếng động cơ xe mãnh liệt hơn, khiến nhiều người hiểu nhầm về tiếng nổ xe PKL. Người có xe PKL là người có tiền, yêu xe và do vậy có hiểu biết. Không ai dại gì vi phạm để bị phạt tiền, bị giam xe” - anh Ngọc nhấn mạnh. Theo Zing