Trước đây do dạ cầu Điện Biên Phủ (cắt ngang đường Hoàng Sa) nằm rất thấp nên người dân đi trên đường Hoàng Sa khi gần đến cây cầu này đều phải vòng lên vòng xoay phía trên (hướng về cầu Thị Nghè) hoặc rẽ trái ở đường Nguyễn Đình Chiểu (hướng về quận 3) để đi tiếp. Tuy nhiên trong giờ cao điểm, nhiều người đi theo hướng về quận 3 đã không đi theo đúng đường, mà chọn lối tắt ngược chiều tại vòng xoay Điện Biên Phủ. Việc này thường xuyên làm khu vực ùn tắc và xảy ra tai nạn. Trong ảnh là con đường mà người dân thường đi ngược chiều khi trước. Đầu năm 2015 đường hầm dưới dạ cầu Điện Biên Phủ đã hoàn thành, giúp đường Hoàng Sa thông suốt. Lúc này việc đi lại trên hai chiều đã rất thuận tiện, vì thế cũng không còn cảnh đi ngược chiều tại vòng xoay Điện Biên Phủ. Do nhiều thời điểm trong năm nền hầm chui nằm dưới mực nước kênh Thị Nghè nên việc thi công khá khó khăn. Các công nhân phải chờ thời điểm nước rút để đóng cọc, đổ bê tông. Tổng cộng đã có 150 cọc cừ ván thép và 286 cọc cừ bê tông dài từ 10 đến 12m được đóng xuống để kè đất đá. Do không gian dưới dạ cầu rất thấp nên các công nhân phải cắt những cọc này ra thành từng đoạn vừa phải, sau đó vừa đóng vừa nối cọc. Theo quy định, chỉ các loại xe có trọng tải dưới 2,5 tấn, cao dưới 2m mới được đi qua hầm này. Những thanh xà đỡ mặt cầu Điện Biên Phủ được gia cố, sơn sửa lại. Đây là đoạn duy nhất của đường Hoàng Sa nằm dưới mực nước kênh Thị Nghè khi triều cường. Lúc mực nước lên cao nhất, đoạn đường này sẽ nằm dưới mực nước đó khoảng 1,6m. Do vậy công trình đã có thêm một bể chứa 50 mét khối gần đó để chứa nước mưa, số nước này sẽ được tự động bơm ra khi đến mực nhất định. Hầm được chiều sáng cả ngày bởi hệ thống đèn led lắp hai bên. Sau thời gian dài phải đi vòng, giờ đây người dân đã được đi thông suốt trên đường Hoàng Sa. Dự kiến cuối năm nay, đường hầm tại đường Trường Sa (nằm song song với đường Hoàng Sa bên kia đầu cầu Điện Biên Phủ) cũng sẽ hoàn thành. Nguồn Báomới