1. Biker cấp 1

    Kỹ năng lái xe máy đường dài dành cho các phượt thủ

    Thảo luận trong 'Phượt' bắt đầu bởi , 6 Tháng mười 2017.

    Đi phượt bằng xe máy là một thú vui tuyệt vời, điều đó ai cũng biết… nhưng để lái xe tốt, đảm bảo an toàn trong suốt hành trình thì không phải ai cũng biết, đặc biệt là những bạn mới đi lần đầu, ít kinh nghiệm. Trong bài viết này, Quang sẽ hướng dẫn các bạn kỹ năng lái xe máy an toàn khi đi phượt nhé!

    1. Kỹ năng đầu tiên: Hiểu rõ chiếc xe của bạn

    Bạn phải thật sự hiểu rõ về chiếc xe mà bạn sử dụng cho hành trình sắp tới. Thật lý tưởng nếu đó là chiếc xe mà bạn sử dụng hàng ngày, lúc này bạn chỉ cần bảo dưỡng xe đầy đủ là yên tâm khởi hành thôi.

    Nếu xe đi thuê/mượn thì bạn cần phải lái một vòng trong sân hoặc quãng đường ngắn, thông thoáng để đảm bảo quen xe. Sau khi lái thử, nếu bạn cảm nhận có gì khác thường thì phải kiểm tra lại rồi mới bắt đầu chuyến đi.

    Tìm hiểu rõ về dòng xe bạn sắp chạy sẽ giúp bạn có thể vận hành xe đúng cách, tránh các hỏng hóc đáng tiếc trên đường đi. Bạn có thể tham khảo bài viết Chọn xe máy nào để đi phượt để hiểu rõ hơn về các dòng xe nhé.

    2. Bảo dưỡng xe đầy đủ trước khi đi

    Các hạng mục bảo dưỡng xe bao gồm:

    – Bơm 2 bánh xe trước, sau đúng áp suất. Bơm bánh xe đúng áp suất giúp xe vận hành trơn tru, không bị xóc, và ít bị ăn đinh hơn. Nếu bánh xe quá căng sẽ gây nứt bánh xe, tăng độ xóc. Nếu bánh xe thiếu hơi thì dễ dính đinh, dễ hư niềng (vành)

    – Thay nhớt máy đầy đủ. Đây là khâu hay bị quên nhất đối với hầu hết các bạn đi phượt. Việc thay nhớt sẽ giúp chiếc xe có thêm sức mạnh để đương đầu với quãng đường dài đầy khó khăn phía trước. Bạn nên thay nhớt sau mỗi 2000km, hoặc nếu tiết kiệm thì tối đa là 4000km, không nên chạy quá mốc này. Ngoài ra, để tránh quá tải cho động cơ, bạn nên nghỉ ngơi tầm 10 phút sau mỗi 100km chạy liên tục.

    – Bôi trơn xích. Xích cần được bôi trơn sau mỗi 500km để xe vận hành được trơn tru, đồng thời giúp tăng thêm tuổi thọ của bộ nhông xích.

    – Kiểm tra đèn pha, đèn xi-nhan (đèn tín hiệu), đèn chiếu hậu. Nếu thiếu một trong những loại đèn này thì chuyến đi của bạn sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Chi tiết về cách sử dụng đèn xi-nhan mình sẽ hướng dẫn chi tiết ở phía dưới.

    – Vệ sinh lọc gió. Lọc gió thường phải được vệ sinh hoặc thay thế trong tầm 15,000-20,000km để đảm bảo xe không bị thiếu gió, gây hao xăng và yếu máy. Nếu bạn đã bảo dưỡng lọc gió gần đây thì không cần kiểm tra, ngược lại, nếu bạn xưa giờ chưa từng nghe đến việc vệ sinh lọc gió này thì hãy thực hiện ngay nhé.

    3. Mang theo phụ tùng thay thế và đồ nghề

    Bạn nên mang theo các phụ tùng thay thế cơ bản để có thể tự sửa xe trong trường hợp bị hỏng xe giữa nơi đồng không mông quạnh. Các loại phụ tùng và đồ nghề cơ bản gồm:

    – 1 cái bugi

    – 1 cái ruột xe hoặc dụng cụ vá xe không ruột

    – 1 cái bơm hơi mini

    – 1 đầu mở bugi

    – Cờ lê các cỡ: 14,17,19. Những cây này mỗi loại mang 1 cây, dùng khi tháo bánh xe.

    – Kềm, dùng để nhổ đinh.

    4. Kỹ năng lái xe

    Bạn cần nhớ những quy tắc sau: Bật xi nhan khi rẽ, đi đúng làn, đúng tốc độ, chạy so le với xe trước, giữ khoảng cách an toàn.

    – Bật xi nhan khi rẽ sẽ giúp báo hiệu cho những người khác, giúp bạn tránh được các tai nạn đáng tiếc. Nếu đi theo nhóm, thì ngay cả trong trường hợp chỉ có duy nhất một đường, nhưng đường đèo bị khuất hoặc nhiều sương mù thì người chạy vị trí dẫn đoàn cũng phải bật xi nhan để cả đoàn được biết, những thành viên chạy phía sau cũng phải bật xi nhan theo người dẫn đoàn để những người sau được biết.

    – Đi đúng làn sẽ giúp bạn tránh những lỗi phạt không đáng có, đồng thời giảm nguy cơ bị tai nạn vì khi bạn chạy lấn qua làn xe ô tô thì nguy cơ bị chèn là rất cao. Đặc biệt, trong những khúc cua ở đường đèo, bạn không được vượt qua làn đối diện vì như thế sẽ rất dễ bị xe ngược chiều đâm phải. Nếu buộc phải vượt, hãy quan sát thật kỹ để chắc chắn là phía trước không có xe ngược chiều, sau đó mới được vượt.

    – Đi đúng tốc độ ngoài việc giúp bạn tránh bị phạt, còn giúp bạn hạn chế những tai nạn trên đường. Tốc độ lý tưởng khi chạy xe là 50-60km/h, vì ở tốc độ này bạn có thể cảm nhận được vẻ đẹp của phong cảnh hai bên đường, đồng thời giúp bạn xử lý các tình huống một cách hiệu quả hơn.

    – Chạy so le với xe trước, giữ khoảng cách an toàn: Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn di chuyển theo đoàn. Việc đi so le sẽ giúp cho các xe có tầm nhìn thoáng hơn, nếu có sự cố xảy ra thì với khoảng cách an toàn đã có, những xe sau có thể chủ động tránh xe bị sự cố phía trước. Nếu chạy quá sát nhau hoặc đi theo đường thẳng thì nguy cơ bị “dồn toa” khi có sự cố là rất cao!

    – Khi đi trong thành phố: Cần lưu ý tránh lấn qua làn ô tô, tránh quẹo phải khi vượt đèn đỏ (một số địa phương cho phép điều này, còn một số điạ phương lại không cho, nên tốt nhất là bạn tránh thực hiện điều này khi đến những nơi lạ)

    – Khi đi trên đường quê: Cần chạy chậm, tránh những chướng ngại vật bất ngờ như: trâu bò, trẻ em, chó… có thể lao ra bất cứ lúc nào.

    – Khi đi trên đường đèo: Bật đèn xi nhan khi ôm cua nếu đi theo đoàn, tuân thủ quy tắc “lên số nào, xuống số ấy”, nghĩa là nếu bạn lên dốc bằng số 2 thì khi xuống dốc ấy bạn cũng phải đi bằng số 2. Đặc biệt, bạn không được tắt máy để đổ đèo, bởi nếu tắt máy, xe bạn sẽ không có lực hãm của động cơ, và khi bạn muốn giảm tốc, bạn phải bóp phanh, việc bóp phanh nhiều và liên tục sẽ khiến phanh dễ bị cháy, gây tai nạn. Nếu bạn đổ đèo bằng xe tay ga, mẹo đơn giản đó là hãy nhích ga nhẹ một tí rồi lại giảm ga, để động cơ không bị tắt hẳn.

    – Khi gặp suối, vũng nước sâu: Cần dùng gậy để dò độ nông sâu trước khi quyết định cho xe chạy qua. Nếu buộc phải chạy qua, hãy chạy với số thấp, giữ ga liên tục để tránh bị tắt máy. Nếu bị tắt máy thì khi đem xe lên bờ, phải thay nhớt ngay để không bị hỏng máy.

    – Khi gặp đường sình lầy: Những bạn thích offroad chắc hẳn sẽ rất thích những con đường dạng này. Tuy nhiên, trước khi quyết định offroad, bạn cần phải chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho cả xế và ôm, lùi số thấp, giữ thật chặt tay lái, di chuyển từ từ để tránh bị ngã. Nếu xe bị sa lầy, cần bình tĩnh di chuyển khỏi xe, sau đó dùng dây thừng để kéo xe, kết hợp với đặt ván và sỏi ở dưới bánh xe để tăng độ ma sát.

    5. Cách sử dụng đèn xi nhan và đèn pha hiệu quả:

    – Đèn xi nhan có chức năng là báo rẽ, và bạn phải sử dụng nó một cách chuẩn xác để nâng cao độ an toàn. Bạn phải bật đèn xi nhan trước đoạn cần rẽ ít nhất là 10m để những xe sau có thể thích ứng kịp. Khi vượt xe, bạn cũng phải sử dụng đèn xi nhan để xin vượt. Đa số các trường hợp vượt xe đều là vượt trái nên mình sẽ hướng dẫn bạn cách vượt như sau: Đầu tiên, bạn bật xi nhan trái, quan sát kỹ để đảm bảo phía trước không có xe ngược chiều, tiếp đó nháy pha hoặc bấm còi để báo hiệu xin vượt với xe phía trước, nếu xe phía trước cho bạn vượt (thể hiện bằng việc họ di chuyển sang bên phải một tí) thì bạn hãy lấn sang làn bên kia, tăng tốc dứt khoát và vượt, sau đó lại bật xi nhan phải và di chuyển vào làn dành cho xe máy. Nếu xe phía trước kiên quyết không dịch sang bên phải để bạn vượt thì có thể là họ cho rằng đường phía trước không nên vượt, hoặc họ không muốn bạn vượt họ, trong trường hợp này thì tùy đánh giá của bạn mà bạn có thể vượt hay không vượt.

    – Đèn pha: Xe máy và xe hơi có hai chế độ chiếu sáng là cos và pha. Đèn cos dùng để chiếu gần và đèn pha dùng để chiếu xa. Trong đô thị thì bạn phải sử dụng đèn cos vì có nhiều người đi ngược chiều, nếu bạn sử dụng đèn pha sẽ khiến mọi người bị chói mắt, đồng thời đèn đường trong đô thị cũng nhiều nên bạn không cần phải dùng đến đèn chiếu xa để làm gì. Ở khu vực ngoài đô thị, bạn nên bật đèn pha để tăng tầm nhìn, nhưng khi gặp xe đi ngược chiều, bạn nên hạ xuống đèn cos để khỏi chói mắt người đối diện, đến khi qua khỏi xe ngược chiều thì mới chuyển sang đèn pha.

    Một tác dụng của đèn pha đó là để nháy pha. Nháy pha là thao tác chuyển nhanh sang đèn pha rồi quay lại với đèn cos để báo hiệu cho xe phía trước. Ở xe hơi, tất cả đều có công tác nháy pha. Riêng ở xe máy thì chỉ có một số dòng xe phân khối lớn hoặc xe ga cao cấp mới có. Nếu xe bạn không có công tắc pha thì bạn có thể thao tắc bằng cách chuyển nhanh từ đèn cos sang đèn pha, rồi về lại đèn cos ngay. Để thuận tiện hơn, bạn có thể lắp thêm công tắc pha cho xe bằng cách liên hệ các tiệm chuyên về điện xe máy để lắp, phương pháp thông dụng nhất hiện nay đó là sử dụng nút passing của xe SH để lắp.

    Quy tắc về nháy pha như sau:

    Nháy 1 cái: Để báo hiệu xe trước chuyển từ pha sang cos, hàm ý của cú nháy pha này là: “Ồ, cái đèn pha của xe anh đẹp quá, hạ xuống dùm đi, chói mắt quá!”

    Nháy 2 cái: Xin vượt, đối với xe đi phía trước. Nếu xe ngược chiều mà nháy 2 cái với bạn thì chỉ đơn giản là họ đang chào bạn, bạn nháy lại 2 cái để “đáp lễ” là okie.

    – Nếu trong trường hợp 2 xe gặp nhau ở giao lộ không có đèn đỏ, hoặc trong hẻm nhỏ thì nháy 1 cái dài (hoặc nháy liên tục nhiều cái) là xin đi trước, còn nháy 2 cái ngắn nghĩa là nhường cho xe đối diện đi trước. Quy tắc này thường hay bị hiểu sai bởi mỗi tài xế có một quan niệm khác nhau. Nhưng theo kinh nghiệm của Quang đúc rút được thì làm theo quy tắc này sẽ dễ hiểu hơn nhiều. Vì vậy, thiết nghĩ mọi người nên tuân theo cùng một quy tắc này để dễ “cư xử” trên đường.

    6. Kỹ thuật giảm tốc độ cho xe:

    Nhiều bạn sẽ bảo rằng, giảm tốc độ thì chỉ cần bóp phanh thôi chứ cần gì cao siêu. Nhưng thật sự thì việc giảm tốc độ nhanh trong các tình huống khẩn cấp không phải lúc nào cũng dễ dàng như vậy.

    Với các tình huống khẩn cấp, bạn chỉ có tối đa 5s để xử lý. Đa số mọi người khi lâm vào tình huống như thế này thì đều bóp phanh thật nhanh và thật mạnh. Việc bóp phanh chặt và đột ngột sẽ dẫn đến hiện tượng bó phanh, khiến xe bạn bị văng hoặc trượt trên đường. Các xe phân khối lớn và xe hơi đời mới hiện đã trang bị hệ thống phanh chống bó cứng ABS (viết tắt của từ Anti-lock Braking System) để giúp người dùng tránh khỏi lỗi này, với những chiếc xe phổ thông thì người dùng không còn cách nào khác là phải tập kỹ thuật phanh tốt để đảm bảo an toàn cho mình. Thông tin thêm cho bạn đó là hệ thống ABS chỉ giúp phanh an toàn hơn thôi, chứ nếu kỹ năng kém thì vẫn gặp sự cố như thường, nên tốt hơn hết là bạn hãy luyện tập kỹ năng phanh cho thuần thục nhé.

    Kỹ năng phanh gấp, theo kinh nghiệm của Quang là:

    – Bóp phanh trước với lực nhẹ, thả nhanh rồi bóp tiếp với lực lớn hơn kèm theo đạp phanh chân. Lưu ý là phải bóp phanh trước trước khi đạp phanh chân, nếu bạn thực hiện đạp phanh chân trước thì xe bạn sẽ bị trượt đấy. Nguyên nhân là vì bánh sau là bánh truyền động nên nếu bạn bắt nó ngừng quay thì cả chiếc xe sẽ bị trượt.

    – Khi bắt đầu đạp phanh chân, trả về số thấp hơn, nhả cả hai phanh ra rồi lại bóp phanh trước, tiếp đó đạp phanh sau.

    Hai bước này nghe thì có vẻ dài dòng, nhưng nếu bạn thực hiện thuần thục thì chỉ cần 2-3 giây là xe bạn đã có thể dừng lại một cách an toàn. Bạn có thể tập kỹ thuật phanh này bằng cách chạy chậm trong sân nhà, thực hiện từ từ cho quen phản xạ. Lúc đi ngoài đường, khi chạy đến gần đèn đỏ bạn cũng thực hiện kỹ thuật phanh như vậy nhưng với tốc độ thực hiện chậm hơn. Cứ như vậy, tới lúc gặp sự cố thực tế thì bạn có thể phản ứng mà không cần phải suy nghĩ gì nhiều.

    Ở bước trên, sở dĩ phải trả số về thấp là vì việc trả số sẽ giúp ghì xe lại, không để xe bị trôi theo quán tính, giúp xe bạn khỏi bị trượt. Đồng thời, lúc bạn trả số thì cũng là lúc bánh xe sau được hãm lại nên việc đạp phanh chân lúc đó là rất an toàn. Lưu ý, nếu bạn đi xe côn tay thì không được bóp côn khi phanh, mà phải nhả côn ra hết. Tương tự, với các dòng xe số tự động thì việc trả số phải trả thật nhanh và không được “dậm mo”.

    Nếu bạn đi xe tay ga, thì thao tác phanh đúng là: Nhắp nhanh phanh trước, sau đó mới bóp phanh sau (đồng thời vẫn nhắp phanh trước), nhả phanh sau ra một tí rồi bóp cả hai phanh để xe dừng hẳn. Tuyệt đối không được phanh mỗi phanh sau bạn nhé, rất nhiều tai nạn do xe ga phanh bằng phanh sau đã xảy ra rồi đấy.

    Lưu ý khi giảm tốc độ bằng số:

    Giảm tốc độ bằng số phải tuyệt đối lưu ý vấn đề đồng tốc. Đồng tốc là gì? Nghĩa là với mỗi số thì có một dải tốc độ nhất định, khi trả số thấp hoặc lên số cao hơn, bạn phải xem xét tốc độ xe có đang phù hợp để đổi số hay không. Vấn đề này đã được đề cập trong bài Cách chạy roda xe máy đúng cách , cụ thể với các xe máy phổ thông thì số 1 có dải tốc độ từ 1-30 km/h, số 2 là 20-50 km/h, số 3 là 30-80 km/h, số 4 là từ 40 km/h trở lên. Bạn chỉ được vào số tương ứng khi tốc độ xe nằm trong ngưỡng tốc độ cho phép.

    Ví dụ, nếu bạn đang chạy ở tốc độ 70 km/h, và bạn muốn giảm về số 2, thì bạn phải giảm xuống số 3 trước, kết hợp bóp phanh, chờ đến khi xe giảm xuống dưới 50 km/h, bạn mới được chuyển sang số 2. Nếu bạn chuyển sang số 2 khi xe bạn đang ở mức tốc độ cao hơn 50km/h thì hộp số của bạn sẽ rất dễ bị hư hỏng.

    Trên đây là một số quy tắc cơ bản khi điều khiển xe máy trên hành trình phượt, nếu bạn có kinh nghiệm gì hay ho thì hãy chia sẻ ngay cùng blogsxe nhé! Chúc bạn có thật nhiều chuyến đi vui vẻ!
    2banh
    2banh.vn