1. Chủ sạp

    Hiểm nguy từ xe đạp điện: Chưa Bộ nào 'sờ gáy'.

    Thảo luận trong 'Các loại xe khác' bắt đầu bởi , 15 Tháng chín 2013.

    Mặc dù theo tiêu chuẩn, xe đạp điện có vận tốc tối đa không quá 25km/h, nhưng thực tế hiện nay, không ít loại xe đạt vận tốc tới 40km/h hoặc hơn.

    Hiem nguy tu xe dap dien Chua Bo nao so gay
    Nguy hiểm không kém xe máy!
    Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ VN cho biết, ở nước ta hiện nay xe đạp điện đang phát triển rất nhanh là bởi, ngoài hai đối tượng người già về hưu và học sinh sử dụng nhiều thì tiến tới số đông người làm việc ở các cơ quan hành chính cũng sẽ sử dụng xe đạp điện như một phương tiện hữu ích để đi lại.

    Sỡ dĩ, xe đạp điện được đông đảo người dân sử dụng vì ngoài việc bảo vệ môi trường, không phải tốn nhiên liệu thì xe đạp điện còn không phải đăng ký và không phải nộp phí đường bộ…

    Xe đạp điện phát triển nhanh, nhưng thực tế hiện nay việc quản lý và xử phạt xe đạp điện vi phạm trật tự ATGT đang trở thành một vẫn đề chưa thể giải quyết.

    Hiem nguy tu xe dap dien Chua Bo nao so gay - 2
    Cần “hàng rào” kỷ thuật quản lý xe đạp điện (Ảnh: dangcongsan.vn)
    Mặc dù theo tiêu chuẩn, xe đạp điện có vận tốc tối đa không quá 25km/h, nhưng thực tế hiện nay, không ít loại xe đạt vận tốc tới 40km/h. Tình trạng này không chỉ gây nguy hiểm cho người điều khiển xe đạp điện mà còn nguy hiểm cho những người tham gia giao thông trên đường.​
    Anh Đỗ Mạnh Dũng ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), người hàng ngày đi lại bằng ô tô qua các tuyến phố Hà Nội bức xúc: Ra đường hiện nay sợ nhất là xe đạp điện, nhất là các cháu học sinh điều khiển xe với tốc độ nhanh chẳng khác nào xe máy lại còn hay lạng lách đánh võng, đi sai làn đường...

    Không những thế, hiện nay nhiều loại xe đạp điện không có đèn xi nhan nên khi các cháu sang đường, rẽ trái hay rẽ phải người tham gia giao thông rất khó phát hiện nên va quệt giữa xe đạp điện và các phương tiện khác là điều khó tránh khỏi.

    “Điều khiển ô tô trên đường thấy có người điều khiển xe đạp điện là tôi phải hết sức cảnh giác, bởi không thể biết được người điều khiển xe rẽ trái hay rẽ phải… Chỉ cần lơ là, thiếu quan sát một chút thì tai nạn giao thông có thể xảy ra bất kỳ lúc nào”, anh Dũng nói.

    Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, với tốc độ di chuyển 40 km/h trong nội đô thì tốc độ của xe đạp điện, xe máy điện tương đương với tốc độ của xe máy. Và mức độ nguy hiểm của xe đạp điện khi lưu thông trên đường cũng tương đương xe máy.

    Mặc dù vậy, nhưng hiện nay xe đạp điện chưa được quản lý chặt do chưa có một tiêu chuẩn, quy chuẩn nào để quản lý.

    Cần “hàng rào” kỹ thuật quản lý xe đạp điện

    Theo ông Hiệp, hiện nay có 80-90% xe đạp điện đang lưu thông trên thị trường là xe nhập khẩu từ nhiều nguồn khác nhau. Vì loại phương tiện này không phải đăng ký, đăng kiểm như xe máy nên việc kê khai nhập khẩu chủ yếu dựa vào kê khai, khai báo.

    Về thực trạng này, ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, xe đạp điện nằm trong danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, thế nhưng đến nay vẫn chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn gì để quản lý loại hình phương tiện này.

    Trong kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2013, Bộ GTVT mới ban hành Thông tư về kiểm tra chất lượng và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia dùng làm căn cứ để quản lý và kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật đối với xe đạp điện.

    Cục Đăng kiểm sẽ trình Bộ GTVT ban hành Thông tư và tháng 11 sẽ trình Bộ GTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật của xe đạp điện. Khi đó mới có những phương án rõ ràng, đầy đủ, chi tiết.

    Trước thực trạng chưa có quy chuẩn quản lý chất lượng xe đạp điện như hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Bộ KH&CN cần có quy chuẩn Quốc gia vê xe đạp điện và xe máy điện ở VN.

    Cụ thể, Bộ này cần phối hợp với Bộ GTVT đưa ra những quy chuẩn về tốc độ đối với xe đạp điện, xe máy điện cũng như kích thước xe và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác…

    “Vấn đề ở đây là các cơ quan quản lý nhà nước phải có những tiêu chí và tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể để quản lý, thậm chí cần thiết có thể đưa ra hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chất lượng xe đạp điện được nhập khẩu”, ông Hùng nói.

    Còn ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, đã đến lúc các Bộ Công Thương, Khoa học - Công nghệ, GTVT... phải ngồi lại với nhau, tính toán phương án cụ thể để quản lý loại xe này.

    "Sắp tới, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận, tìm hướng quản lý" - ông Hiệp nói.

    Theo Gia Văn
    Vietnamnet
    2banh
    2banh.vn