Từ Tây Bắc sang Đông Bắc, hành trình với những cung đường đẹp nhất miền Bắc với chặng đường dài gần 3000km, đi qua "Tứ đại đỉnh đèo" huyền thoại, Chinh phục Cực Tây và cực Bắc của Tổ quốc và hơn 10 tọa độ đẹp nổi tiếng như: Mù Cang Chải, Sa Pa, Hà Giang, Bản Giốc,.. Với xuất phát điểm từ Hà Nội, qua Tây Bắc và chạy dài vòng sang Đông Bắc, đây là những cung đường vô cùng đẹp nhưng cũng rất khó đi. Bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác chạy xe máy giữa khung cảnh núi non hùng vĩ và vượt qua những con đèo “khó nhằn” nhất Việt Nam. Chắc chắn một khi đã đi, hành trình này sẽ khiến bạn không thể nào quên được. 1. Thời gian Với các cung Tây Bắc - cực Tây, có 2 thời điểm thích hợp để bạn đặt chân đến: - Cuối đông đầu xuân ( tức tháng chạp đến tháng 3 âm lịch): Đây là lúc nhiệt độ không quá lạnh và đặc biệt là lúc các loài hoa đặc trưng vùng Tây Bắc nở rộ như hoa đào, hoa ban...Cung đường còn hấp dẫn bởi bạn sẽ được trải nghiệm một cái Tết đậm chất vùng cao, rất nhiều lễ hội đầu xuân rất thú vị. - Cuối thu (tháng 9 dương lịch): Lúc này những cơn mưa mùa mưa bão miền Bắc đã ngớt, là thời điểm các thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, SaPa, Lào Cai, Y Tý...bước vào mùa lúa chín đẹp tuyệt vời. Với các cung Tây - Đông Bắc, thời điểm hợp lý nhất để chạy xe khám phá nó chính là tháng 10, 11. Lúc này bạn sẽ được trải nghiệm mùa lúa chín (Hoàng Su Phì) và mùa hoa lớn, đẹp nhất trong năm: hoa tam giác mạch (Hà Giang) hay ngắm thác đổ nổi tiếng Bản Giốc (Cao Bằng). Như vậy nếu bạn đi trọn tất cả các cung Tây Bắc và Đông Bắc thì tháng 9 - tháng 11 là hợp lý nhất để bạn vừa có thể “săn lúa”, ngắm hoa. Thời gian để hoàn thành hành trình sẽ mất khoảng hơn nửa tháng. 2. Chuẩn bị Đây là những cung đường vô cùng đẹp nhưng cũng rất “khó nhằn”. Bởi việc phải chạy xe liên tục trong nhiều ngày và đặc điểm địa hình toàn đồi núi, đèo dốc,..nên chắc chắn bạn phải chuẩn bị kỹ càng và chu đáo trước chuyến đi của mình. - Bảo dưỡng xe: Thay nhớt, kiểm tra phanh, xiết ốc, vỏ, đèn, nhông, sên, dĩa, đèn, lọc gió, bơm xe đúng áp suất.... ( cái này ai không làm được thì đã có thợ lo=). Một tâm hồn tự do nhưng vẫn phải cẩn thận, tỉ mỉ vụ xe cộ này nhé. - Trang bị thêm: + Cờ lê nhiều size, kìm.. + 1 thanh chữ T + Bộ mở bugi +1 tuốc nơ vít đầu 4 cạnh và 1 đầu 2 cạnh. + 1 ống cao su để có thể hút xăng, bugi, dây ràng đồ + Chìa khóa sơ cua trong trường hợp mất chìa khóa + Bộ vá xe có ruột/ không ruột..để phòng trường hợp xe hỏng giữa đường bởi hầu hết đường núi vắng vẻ bạn sẽ không tìm được quán sửa xe đâu. - Trang bị đồ bảo hộ: Cung đường dài và khá nguy hiểm nên đồ bảo hộ cũng là thứ được ưu tiên hàng đầu để đảm bảo an toàn cho chuyến đi của bạn. Mũ bảo hiểm loại tốt, bọc đầu gối, áo phản quang, miếng dán phản quang, đồ y tế,..là những thứ tốt thiểu cho hành trình. - Vật dụng khác: Một chuyến đi dài ngày như thế này sẽ tốt hơn nếu bạn mang theo lều, trại, túi ngủ,..phòng trường hợp không tìm được chỗ nghỉ. Vật dụng cá nhân nên có áo khoác gió, khăn mỏng,.. do khí hậu vùng cao lạnh hơn nhiều và chắc chắn là không thể thiếu một chiếc máy ảnh. Một camera hành trình là lựa chọn hợp lý để bạn có những bức ảnh hay thước phim hành trình cực đẹp. Bạn cũng nên mang theo đầy đủ giấy tờ cần thiết và cất chúng cẩn thận trong hành trình di chuyển. 3. Lịch trình - Đêm 0: Hà Nội - Nghĩa Lộ (Yên Bái) Cung đường này dài gần 200km, xuất phát từ Hà Nội theo hướng Sơn Tây – Trung Hà – Thanh Sơn – Thu Cúc – Đèo Khế - Nghĩa Lộ. Tối ngủ tại Nghĩa Lộ bởi ban đêm không nên vượt đèo tránh nguy hiểm. - Ngày 1: Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải (Yên Bái) Sáng dậy từ Thị xã Nghĩa Lộ chạy xe theo hướng Tú Lệ – Đèo Khau Phạ - Mù Cang Chải. Dọc đường đi chụp ảnh ngắm lúa từ đoạn Tú lệ trải dài cho đến Mù Cang Chải và chinh phục đèo Khau Phạ - 1 trong tứ đại đỉnh đèo của miền Bắc. Từ thị trấn Mù Cang Chải có thể di chuyển xung quanh để ngắm lúa. Một số địa điểm gợi ý cho bạn như: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha,..Tối ngủ tại thị trấn Mù Cang Chải. Như vậy bạn đã có trọn 1 ngày để chiêm ngưỡng cảnh lúa chín tại một nơi ngắm lúa đẹp nhất miền Bắc. - Ngày 2: Mù Cang Chải - Điện Biên Quãng đường từ Mù Cang Chải tới TP Điện Biên Phủ tầm 250km, bạn có thể đi tiếp theo hướng Lai Châu dọc theo quốc lộ 32, đến ngã ba Mường Kim (Than Uyên, Lai Châu) rẽ phải theo đường tắt nối QL 32 và QL 279. Đi được gần chục cây số bạn sẽ gặp thủy điện Bản Chát trên sông Nậm Mu. Trên đường chụp ảnh tại cầu Pá Uôn và hồ thủy điện Sơn La – một trong những hồ thủy điện lớn nhất nước ta. Một lựa chọn khác, nếu bạn muốn chạy xe qua thành phố Sơn La để thăm di tích nhà tù Sơn La nổi tiếng và vượt đèo Pha Đin hùng vĩ, từ Mù Cang Chải bạn quay lại theo hướng đèo Khau Phạ, sau đó rẽ phải sang quốc lộ 6 để đi về thành phố Sơn La và vượt đèo Pha Đin để tiếp tục tới TP Điện Biên Phủ. Sau khi tới Điện Biên Phủ, bạn có thể tham quan một số di tích lịch sử như Hầm Đờ Cát, Đồi A1, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ,..Đặc biệt, để chinh phục cực Tây A Pa Chải, bạn nhớ tới Bộ chỉ huy Biên Phòng xin giấy phép nhé. - Ngày 3+ 4: Điện Biên Phủ - Mường Nhé - A Pa Chải Sáng sớm rời TP Điện Biên Phủ để tiếp tục hành trình chinh phục cực Tây A Pa Chải - nơi mà "một con gà gáy cả 3 nước đều nghe thấy". Bạn chạy thẳng từ thành phố lên Mường Nhé, cung đường này thật ra dài hơn rất nhiều so với việc bạn tưởng tượng qua Google Map đấy. Đến Mường Nhé, bạn có thể vào đồn biền phòng 317 và xin phép ngủ lại 1 đêm ở đây. Ngày hôm sau, bạn dậy chuẩn bị đồ mang theo dọc đường và đồ ăn để leo cột mốc. Mất chừng 5 – 6 tiếng đồng hồ sẽ tới Mốc 0, sau khi ăn trưa và chụp ảnh kỷ niệm sẽ di chuyển xuống, khoảng 17 - 18h bạn đã trở lại đồn 317 và nghỉ ngơi 1 tối nữa tại đây hoặc chạy xe ra Mường Nhé để nghỉ nếu muốn. - Ngày 5+ 6: A Pa Chải (Mường Nhé) - Sa Pa Ngày thứ 5 này sẽ khá mệt bởi cung đường nối từ A Pa Chải tới Sa Pa dài gần 400km. Bạn sẽ đi theo hành trình từ A Pa Chải - Mường Nhé tới Mường Chà - Mường Lay - Sìn Hồ và tiếp tục theo đường 12 tới Phong Thổ. Tại đây bạn lại được chinh phục tiếp con đèo thứ 3 trong tứ đại đỉnh đèo miền Bắc - đèo Ô Quy Hồ. Vượt đèo Ô Quy Hồ rồi chạy tiếp sẽ tới thị trấn Sa Pa xinh đẹp. Dành 1 ngày để rong ruổi và khám phá Sa Pa, nếu vào mùa lúa chín lại bắt gặp những thửa ruộng bậc thang vàng óng ở Tả Van, Lao Chải, Tả Phìn,..Tới bản Cát Cát và dạo quanh thị trấn nhỏ bé yên bình với khí hậu mát mẻ tuyệt vời. Nếu muốn chinh phục Fansipan hay vòng xuống Y Tý, bạn cần thêm thời gian tầm 2 ngày nữa nhé. - Ngày 7: Sa Pa - Xín Mần - Hoàng Su Phì - Hà Giang Một cung đường tuyệt đẹp! Sau khi từ Sa Pa về Lào Cai, bạn đi thẳng lên Bắc Hà và theo cung đường Bắc Hà - Xín Mần - Hoàng Su Phì - Hà Giang. Đây là một hành trình dài gần 200 km và nếu bạn đi vào mùa lúa chín, sẽ lại được ngắm ruộng bậc thang trùng điệp ở Hoàng Su Phì. Còn nếu mùa hoa nở, Xín Mần là một điểm ngắm hoa tam giác mạch khó bỏ qua ở Hà Giang. Tới thành phố Hà Giang để nghỉ ngơi 1 đêm và chuẩn bị cho hành trình cao nguyên đá vào ngày hôm sau . - Ngày 8: Hà Giang - Đồng Văn Xuất phát từ thành phố vào sáng sớm, bạn sẽ bắt đầu 1 ngày khám phá mảnh đất địa đầu Tổ quốc đẹp tuyệt vời. Để đến Đồng Văn, chúng ta sẽ đi qua các điểm: Quản Bạ, Yên Minh, Phó Bảng, Sủng Là. Từ Hà Giang tới Quản Bạ dài gần 50km, địa điểm này có cổng trời và núi đôi nổi tiếng. Dừng chân nghỉ ngơi ngắm cảnh và chụp ảnh một lúc, chúng ta lại tiếp tục chạy xe tới Yên Minh và ăn trưa tại đây. Từ Yên Minh tới Phó Bảng, bắt đầu từ nơi này bạn sẽ thấy vẻ đẹp tuyệt vời và hùng vĩ của cao nguyên đá Đồng Văn. Rời Phó Bảng, quay ngược lại ngã 3 đi Đồng Văn bạn tới Sủng Là – nơi nổi tiếng bởi địa điểm quay bộ phim Chuyện của Pao và không thiếu hoa tam giác mạch nếu bạn đi đúng mùa. Kết thúc 1 ngày nữa tại điểm dừng chân cuối cùng là Đồng Văn, ta nghỉ ngơi ăn tối và tham quan phố cổ trên núi cao. Háo hức chờ đợi ngày hôm sau. - Ngày 9: Đồng Văn - Lũng Cú - Mèo Vạc Ăn sáng tại Đồng Văn và lại bắt đầu một ngày mới chinh phục cực Bắc của Tổ quốc. Từ Đồng Văn lên Lũng Cú gần 30km, quãng đường không hề dài nhưng cực kỳ ấn tượng bởi một bên là vách núi, một bên là vực sâu còn phong cảnh thì đẹp không từ nào diễn tả được. Đường rất hẹp và ngoằn nghoèo, vì thế bạn cần chạy xe cẩn thận. Nơi cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc, cột cờ Lũng Cú cao sừng sững và hiên ngang khơi dậy bao niềm tự hào. Tham quan và chụp ảnh “đã đời” rồi, bạn lại tiếp tục quay về Đồng Văn để nghỉ ngơi và ăn trưa. Tiếp tục buổi chiều, chạy xe từ Đồng Văn tới Mèo Vạc. Quãng đường này sẽ giúp bạn chinh phục con đèo cuối trong tứ đại đỉnh đèo, mang tên Mã Pí Lèng. Vượt đèo và ngắm nhìn dòng sông Nho Quế chảy phía dưới trong xanh như ngọc là một cảm giác thích đến mức chắc chắn không bao giờ bạn quên được. - Ngày 10: Mèo Vạc - Ba Bể Sáng dậy xuất phát từ Mèo Vạc để chạy về Ba Bể, cung đường này dài 200km. Bạn chạy xe theo đường Niêm Sơn sang Bảo Lạc, đi về phía Tĩnh Túc, đến ngã 3 cách Tĩnh Túc khoảng 5km rẽ phải vào đường đi Phan Thanh, Ca Thành huyện Nguyên Bình (Cao Bằng). Sau đó tiếp tục chạy về phía Ba Bể, đi dạo quanh vườn quốc gia và thuê thuyền quanh hồ rồi nghỉ ngơi, ăn tối. - Ngày 11: Ba Bể - Bản Giốc Sau một ngày nghỉ ngơi và tham quan tại Ba Bể, bạn tiếp tục cung đường của mình để tới Trùng Khánh, Cao Bằng tham quan thác Bản Giốc. Từ Ba Bể tới thác Bản Giốc gần 200km. Ngoài tứ đại đình đèo mà bạn đã chinh phục trong hành trình, bạn còn đi qua 2 con đèo tuyệt vời khác là đèo Gió và đèo Mã Phục, nhớ lưu ý để không bỏ lỡ nhé. Thác Bản Giốc có độ cao 53m và chia làm 3 tầng, nó được coi là thác nước đẹp nhất Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á. Sau khi chiêm ngưỡng và vui chơi tại đây, đến chiều tối bạn ăn uống và nghỉ đêm gần thác Bản Giốc/ Trùng Khánh. - Ngày 12: Bản Giốc - Mẫu Sơn (Lạng Sơn) Vậy là cung đường Đông Bắc chỉ còn một số điểm đến nữa là kết thúc cuộc hành trình rồi. Từ Bản Giốc tới Mẫu Sơn bạn chạy xe hơn 200km, đường lên Mẫu Sơn ngoằn nghoèo nhưng không khó đi. Mẫu Sơn được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng". Đây là địa điểm để tận hưởng sự yên tĩnh và không gian thanh bình, rất thích hợp để bạn nghỉ ngơi sau những ngày leo dốc vượt đèo trên con “chiến mã” của mình. - Ngày 13+14 : Mẫu Sơn - Hạ Long Hẳn bạn đã đủ thỏa mãn với phong cảnh của vùng núi cao, cung đường này sẽ dẫn bạn tới vị mặn mòi của biển cả. Từ Mẫu Sơn tới Hạ Long- kì quan thiên nhiên thế giới, bạn nên dành 1 ngày để nghỉ ngơi, vui chơi, du thuyền ra vịnh hay các đảo và khám phá những bãi biển đẹp ở Quảng Ninh. - Ngày 15: Hạ Long - Hà Nội Vậy là bạn đã tới chặng cuối cùng của cung đường “huyền thoại” này, chặng đường trờ về Hà Nội – nơi chuyến hành trình bắt đầu. Một số lưu ý - Các lịch trình nhìn thấy có vẻ đơn giản, khoảng cách ngắn nhưng mỗi ngày bạn phải cày xe máy kinh hoàng do đường đèo chiếm phần lớn hành trình. Đoạn đường có thể chỉ 200km nhưng có khi mất cả ngày đường, không như các cung đường ở miền Nam. - Hành trình này bao quát các điểm đến đẹp nhất của miền Bắc, cung đường tổng thể rất dài. Còn nếu bạn chỉ đi một vài điểm, bạn có thể tách nhỏ ra từng cung đường khác nhau. - Luôn chú ý đổ đầy xăng vào xe ở mỗi điểm dừng có trạm xăng. - Chạy xe với tinh thần trách nhiệm cao và hãy nhớ luôn cẩn thận, an toàn là trên hết. Hành trình gần 3000km chạy xe máy trên những cung đường đẹp nhất miền Bắc chắc chắn là những ngày trải nghiệm đáng nhớ nhất cuộc đời bạn. Hãy chuẩn bị một sức khỏe tốt, vật dụng chu đáo và con tim nhiệt huyết muốn khám phá để chinh phục hành trình này bạn nhé. Chúc bạn một chuyến đi an toàn, đáng nhớ!