Sau lần thứ 7 giảm giá liên tiếp thì xăng E5 RON 92 còn 11.343 đồng/lít, xăng RON 95 còn 11.939 đồng/lít. Đến ngày 17/4, giá dầu thô WTI xuống mức thấp nhất trong vòng 18 năm, chỉ 19.66 USD/thùng. Vậy liệu giá xăng trong nước có xuống dưới 10.000 đồng/lít? Giá xăng có giảm xuống dưới 10.000 đồng/lít ở chu kỳ tiếp theo?. Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP.HCM cho rằng giá xăng dầu đang phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến dịch Covid-19. Nhu cầu đi lại, vận chuyển giảm mạnh bởi các lệnh phong tỏa, hạn chế ra ngoài. Vị chuyên gia nhận định đáy giá xăng dầu sẽ xuất hiện khi dịch Covid-19 đạt đỉnh. Tuy nhiên, giá xăng trong nước rất khó giảm xuống dưới 10.000 đồng/lít. Cụ thể, cơ cấu giá xăng phải “cõng” 4 sắc thuế và nhiều loại phí. Về thuế: thuế nhập khẩu 20%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10%, thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 RON 92 là 3.800 đồng/lít, xăng RON 95 là 4.000 đồng/lít. Mỗi lít xăng cũng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức (1.050 đồng/lít), lợi nhuận định mức (tối đa 300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn (tại kỳ điều chỉnh 13/4 với xăng E5 RON 92 là 400 đồng/lít, xăng RON 95 là 1.400 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp. Giả sử, Việt Nam nhập xăng RON 95 thành phẩm trên thị trường Singapore với giá rất thấp, chỉ 18.81 USD/thùng (giá ngày 1/4 do Bộ Công Thương công bố). Giá sau khi cộng thuế phí mà chưa tính lợi nhuận của doanh nghiệp đã là 10.476 đồng/lít. Thực tế, giá xăng ở Việt Nam được điều chỉnh theo chu kỳ 15 ngày/lần, có độ trễ nhất định. Bên cạnh yếu tố về cơ cấu giá xăng, vị chuyên gia cho rằng việc Nga và Arab Saudi chấm dứt cuộc chiến giá dầu là động thái tích cực cho diễn biến giá dầu thế giới. Các nhà sản xuất dầu mỏ cam kết giảm sản lượng trong nỗ lực hạn chế giá dầu giảm sâu. Theo: Zing.vn