Đây có lẽ là vấn đề mà khá nhiều người cũng đang quan tâm. Có thể vì vô ý hoặc cố ý mà người điều khiển xe máy, xe đạp hay xe thô sơ khác có thể cho xe chạy vào đường cao tốc. Vậy mức phạt đối với hành vi này là bao nhiêu? Đi xe máy vào đường cao tốc bị phạt bao nhiêu tiền?. Theo hướng dẫn tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, việc người điều khiển phương tiện giao thông cho phương tiện của mình chạy vào khu vực đường cao tốc có thể bị xử phạt lên đến 07 triệu đồng. Cụ thể các mức phạt tương ứng với từng hành vi như sau: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với: Người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với: Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác đi vào đường cao tốc, trừ phương tiện phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo đi vào đường cao tốc trái quy định. Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; quay đầu xe, lùi xe trên đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc; không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc. Đồng thời tước quyền sử dụng GPLX (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 - 3 tháng. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với: Người điều khiển xe máy điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Đồng thời tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe ( GPLX ) từ 1 - 3 tháng; nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2 - 4 tháng. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng - 3.000.000 đồng đối với: Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; khi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm theo quy định. Đồng thời tước quyền sử dụng GPLX (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 - 3 tháng. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với: Người điều khiển xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h, máy kéo đi vào đường cao tốc, trừ phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Nếu gây tai nạn giao thông hoặc thực hiện hành vi quy bị tước quyền sử dụng GPLX (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 2 - 4 tháng. Đây là nội dung được quy định tại Điều 6, 7, 8, 9 và 10 Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 01/8/2016.