Sáng nay bộ Giao thông vận tải vừa đề xuất thêm điều luật xe máy phải bật đèn pha ban ngày vào luật giao thông. Ngay khi vừa mới đề xuất, dự luật này đã nhận được một số phản hồi khác nhau từ các chuyên gia. Đề xuất xe máy phải bật đèn khi chạy xe ngay cả ban ngày Xe máy phải bật đèn nhận diện Cụ thể, khoản 3 Điều 27 của dự luật giao thông quy định: Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau. Như vậy, người lái xe máy khi tham gia giao thông phải bật đèn được trang bị theo thiết kế của xe. Đại diện Bộ GTVT cho rằng các quy định trên được tham khảo từ Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước 1968). Trong đó, quy định bật đèn xe máy cả ngày nhằm tăng nhận diện, giúp người điều khiển ô tô dễ dàng nhận diện các phương tiện đang lưu thông. Đặc biệt xe tải thường có những điểm mù mà người ngồi trong ô tô không phát hiện được, từ đó giảm tai nạn giao thông. Theo quy định hiện nay của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 100/2019, người điều khiển xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện; máy kéo, xe máy chuyên dùng…) bắt buộc phải sử dụng đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn. Theo điểm L khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019, xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị xử phạt 100.000-200.000 đồng nếu không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn. Đề xuất mới quy định xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn cả ban ngày. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG Quy định không phù hợp Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ có quy định về bật đèn chiếu sáng cả ngày đối với phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, quy định này chỉ phù hợp với các nước châu Âu, ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều, cần bật đèn để nhận diện. Còn ở Việt Nam, một đất nước nhiệt đới với thời tiết vào mùa hè nhiệt độ luôn ở mức cao. Nếu bật đèn gây chói mắt với người điều khiển phương tiện giao thông đi ngược chiều. Cạnh đó sẽ tiêu tốn một lượng điện ở bình ắc quy, từ đó tăng tiêu thụ nhiên liệu, tăng chi phí, tăng lượng phát thải khí gây ô nhiễm môi trường. “Nên tôi cho rằng việc bật đèn xe máy vào ban ngày với nước ta là không cần thiết. Đặc biệt việc bật đèn cũng không giảm thiểu được tai nạn giao thông, mà còn tác dụng ngược, như ô nhiễm môi trường, gây chói mắt…” - ông Quyền nêu quan điểm. Một chuyên gia giao thông cũng cho rằng hiện nay Việt Nam có khoảng 60 triệu xe máy, mỗi ngày có khoảng 20 triệu xe hoạt động sẽ tiêu hao lượng nhiên liệu rất lớn. Từ đó xảy ra tình trạng ô nhiễm ánh sáng trên đường phố, tăng phát thải khí nhà kính góp phần làm khí hậu nóng lên, điều này đi ngược với xu thế. “Chúng ta thử cảm nhận nếu quy định này được áp dụng, vào mùa hè nắng đến 40 độ C, hàng triệu xe đổ ra đường dẫn đến kẹt xe, khói bụi, nóng bức… Có người bật đèn position light hay gọi là đèn đờmi nhưng có người bật đèn lớn và chiếu thẳng giữa mặt người đi ngược chiều thì rõ ràng đây không phải là một đề xuất tối ưu cho việc giảm tai nạn giao thông…” - vị này nhận định. Cùng quan điểm, anh Nguyễn Văn Hùng (Hà Nội) cho rằng Hà Nội, TP.HCM đường lúc nào cũng đông đúc, tốc độ di chuyển chỉ khoảng 20-30 km/giờ thì việc bật đèn chiếu sáng cả ngày không chỉ không cần thiết mà còn gây nguy hiểm. “Thực tế hiện nay số lượng xe máy ở nước ta vẫn chiếm phần lớn, ô tô chỉ lượng nhỏ. Nên tôi cho rằng buộc xe máy bật đèn chiếu sáng cả ngày không phù hợp. Thậm chí nhiều người phải bỏ thêm tiền để cải tạo độ bền của bình ắcquy, bóng đèn… Và với nhiệt độ như nước ta nếu kẹt xe hoặc dừng đèn đỏ, xe đồng loạt bật đèn, dù là loại đèn gì thì đó cũng là điều quá khủng khiếp” - anh Hùng nói. Cần áp dụng sớm Chuyên gia về ô tô, xe máy Nguyễn Minh Đồng lại cho rằng việc bắt buộc bật đèn xe cả ngày Việt Nam cần áp dụng sớm vì châu Âu đã sử dụng từ 20 năm nay. Xe ban ngày mà vẫn bật đèn làm giảm được tai nạn trực diện khoảng 20%, vì ánh sáng của đèn có thể làm cho tài xế nhận diện từ xa. Hiện nay, các loại xe nhập khẩu đa số đều nổ máy là bật đèn. Đặc biệt, đối với người tham gia giao thông khi ánh sáng mặt trời phía sau xe đối diện sẽ làm chói mắt người lái. Nếu có đèn chiếu sáng của xe sẽ dễ dàng nhận diện nhanh hơn 20 lần. Theo ông Đồng, nhiều người cho rằng việc bật đèn sẽ làm cho xe tiêu hao nhiên liệu, tốn điện, tốn xăng và dễ bị hư hỏng hơn nhưng trên thực tế xe gắn máy hay thậm chí cả xe ô tô tỉ lệ tiêu hao nhiên liệu do bật đèn quá thấp, không đo lường được. Ngoài ra, theo công nghệ hiện đại, các nhà sản xuất ô tô, xe máy đều sử dụng loại bóng đèn tốt, không tiêu hao nhiên liệu và không ảnh hưởng tới sự vận hành của động cơ xe. Đối với các loại xe cũ, Nhà nước có thể khuyến khích chủ xe lắp thêm một loại đèn phát sáng để đảm bảo an toàn. Nguồn : Báo Mới
Bộ này gọi là bộ ăn bám dân ko nghỉ đc cái ji hay ho hơn ah những góc cua 90 đến ban ngày có tác dụng buoi ji khi mà ánh sáng mặt trời sáng hơn đèn chưa kể nhiều người đi đường đầu óc để ở đâu mà ko thèm quan sát, khi góc cua khuất tầm nhìn hoặc người đối diện ko tập trung tổ nhất là còi to