1. Đánh giá xe

    Đăng ký biển kiểm soát cho xe điện?

    Thảo luận trong 'Chuyện trò' bắt đầu bởi , 30 Tháng mười 2013.

    Không nên quy định bắt buộc đăng ký biển kiểm soát đối với xe đạp điện vì loại xe này không có số khung, sẽ khó khăn trong công tác đăng ký. Còn xe máy điện nên cấp biển kiểm soát và cần được quản lý như xe máy bình thường”. Đó là kiến nghị của ông Trịnh Ngọc Giao - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải.

    Xe máy điện phải tuân thủ quy định như xe máy thông thường

    Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong số những xe chạy điện đang được sử dụng hiện nay có đến 70% là xe máy điện và 30% là xe đạp điện. Trong khi đó, căn cứ vào các quy định hiện hành thì xe máy điện phải tuân thủ các quy định như xe máy dưới 50cm3 là phải có đăng ký, đăng kiểm, quy định về độ tuổi cho người điều khiển, đội mũ bảo hiểm khi vận hành. Đối với xe đạp điện phải giới hạn tốc độ tối đa và khi tham gia giao thông bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, một trong số những quy định này đang bị bỏ ngỏ, khiến tình trạng xe máy điện, xe đạp điện lưu thông và vi phạm tràn lan trên đường và khó kiểm soát.

    Dang ky bien kiem soat cho xe dien
    Bùng phát tình trạng người dân, nhất là học sinh sử dụng xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định.

    Trước thực trạng bùng nổ về loại phương tiện chạy bằng điện này và cũng để quản lý xe điện được dễ dàng, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia giao thông đô thị cho rằng: "Việc nhà nước cấp biển số là cần thiết, nó sẽ giúp người dân kiểm soát tài sản, đề phòng mất cắp. Khi phương tiện vào bãi gửi xe có cái để ghi nhận. Với Nhà nước sẽ thuận tiện trong xác định cơ sở xử lý vi phạm, xác định người điều khiển phương tiện. Việc phân biệt rạch ròi xe máy điện và xe đạp điện hiện nay là khó khả thi. Về mặt kỹ thuật, hai phương tiện này có nguyên lý hoạt động giống nhau. Nên gộp hai loại phương tiện này làm một và có chế tài quản lý, xử lý vi phạm giống như xe máy."

    Theo đại diện các cơ quan chức năng, xe đạp điện, xe máy điện vẫn chưa có hệ thống quy chuẩn kỹ thuật ban hành để kiểm soát, quản lý chất lượng nên đã dẫn đến loạn phương tiện này. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng: “Hiện nay, lực lượng chức năng rất khó phân biệt đâu là xe máy điện, xe đạp điện. Thậm chí, nhiều người đi xe cũng không quan tâm và không cần biết có cần đội mũ bảo hiểm hay không. Do vậy, cần phải phân biệt rõ khái niệm về xe đạp điện và xe máy điện để từ đó có những biện pháp khuyến cáo đối với người sử dụng, cũng như công tác quản lý”.

    Nói về Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về loại hình phương tiện xe đạp điện, xe máy điện, ông Trịnh Ngọc Giao nói: "Tháng 10/2013, Cục Đăng kiểm sẽ trình Bộ Giao thông Vận tải về Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về loại hình phương tiện này. Để phân biệt giữa xe đạp điện và xe máy điện cần phải dựa vào các tiêu chí như động cơ, tốc độ xe cháy cũng như phải xem xe đó bàn đạp hay không. Xe có bàn đạp là xe đạp điện, được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc được trợ lực bằng động cơ điện (công suất động cơ không lớn hơn 250W), khối lượng xe không quá 40kg. Đặc biệt, xe đạp điện chỉ được chạy với tốc độ tối đa không quá 25km/h. Xe không đáp ứng được các tiêu chí trên và không có bàn đạp là xe máy điện".

    Nhận xét cề ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, nên gộp cả xe đạp điện và xe máy điên lại để dễ quản lý, ông Trịnh Ngọc Giao cho rằng: "Cần phải phân biệt rạch ròi mới dễ quản lý. Luật Giao thông đường bộ quy định xe máy điện thuộc nhóm xe cơ giới, xe đạp điện thuộc nhóm xe thô sơ. Nếu gộp hai loại xe này thành một là không phù hợp".

    Mạnh tay với nhà sản xuất, nhập khẩu


    Hiện nay, Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 7448:2004) về xe đạp điện có quy định vận tốc tối đa không quá 25km/h, nhưng thực tế, không ít loại xe đạt vận tốc tới 40km/h. Những loại phương tiện này có thể gây nguy hiểm cho người điều khiển và người tham gia giao thông.

    Trước thực trạng "thả nổi" loại phương tiện này, ông Trịnh Ngọc Giao cho biết: "Hiện nay, việc nhập khẩu xe đạp điện và xe máy điện vẫn đang được thả nổi, bởi loại phương tiện này không phải đăng ký, đăng kiểm như xe máy, việc kê khai nhập khẩu chủ yếu dựa vào kê khai, khai báo. Để quản lý loại xe này, từ ngày 01/11/2013, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công thương tổ chức chiến dịch tuyên truyền và xử lý vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng xe đạp điện, xe máy điện trên địa bàn toàn quốc".

    Dang ky bien kiem soat cho xe dien - 2
    Lực lượng cảnh sát giao thông ra quân xử lý xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

    Về kế hoạch ra quân xử lý này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp nói: "Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Công an tiến hành thanh kiểm tra, xử lý các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện vi phạm về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng xe. Lực lượng cảnh sát giao thông sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đối với người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện về các vi phạm tốc độ, tín hiệu đèn, không đội mũ bảo hiểm. Đặc biệt, những phương tiện là xe máy điện thì phải có đăng ký để quản lý phương tiện. Còn Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Vụ An toàn giao thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Thông tư quy định tốc độ tối đa của xe đạp điện dưới 25km/giờ. Vụ Khoa học Công nghệ phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam hoàn thiện Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện trình Bộ Giao thông Vận tải trước tháng 10/2013".
    Theo VTC
    2banh
    2banh.vn