1. Biker chuyên nghiệp

    Cuộc sống xáo trộn vì khó đổ xăng

    Thảo luận trong 'Chuyện trò' bắt đầu bởi , 2 Tháng mười một 2022.

    Gần một tháng qua, Ngân Ngọc, 27 tuổi, đã chi 5 triệu đồng để đi xe ôm, khỏi phải chịu cảnh chờ đợi hoặc chạy xe lòng vòng khắp nơi tìm cây xăng.

    Cuoc song xao tron vi kho do xang
    Cuộc sống xáo trộn vì khó đổ xăng.

    Ngọc ở quận 8 nhưng công việc đòi hỏi thường xuyên đi lại giữa các quận. Chiều 10/10, cô đi từ quận 3 về, xe đã cạn xăng, ghé vào cây gần nhà thấy chật kín người chờ đợi. Chờ hơn 30 phút chưa tới lượt, cô chạy lòng vòng tìm cây xăng khác nhưng mấy nơi đều treo biển "hết xăng". Chạy sang quận 7 với hy vọng kiếm được chỗ còn xăng nhưng đi được khoảng một km thì chiếc xe chết máy.

    "Tôi chưa bao giờ gặp phải cảnh này", cô nói. Hơn 11h đêm đó Ngọc mới đổ được xăng nhưng cửa hàng chỉ bán cho mỗi xe 50.000 đồng. Những ngày sau đó, cảnh "chờ hoài mới đổ được xăng" liên tục tái diễn.

    Ám ảnh chuyện hết xăng giữa đường, cô gái 27 tuổi quyết định chuyển sang đi xe ôm công nghệ để chủ động hơn trong công việc. "Biết là sẽ rất tốn tiền nhưng tôi chấp nhận", Ngọc, nữ nhân viên một công ty truyền thông nói. Cô tính, 5 triệu đồng tiền xe ôm đã hết 1/4 tháng lương, trong khi bình thường chỉ tốn gần một triệu đổ xăng.

    Ngọc và hàng nghìn người dân đang chịu ảnh hưởng vì tình trạng khan hiếm xăng lan rộng trên nhiều tỉnh thành.

    Cuoc song xao tron vi kho do xang - 2
    Thiệt hại mà anh xe ôm công nghệ Nguyễn Văn Hiếu, 40 tuổi, phải chịu là một ví dụ. Thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc xe máy, nhưng nhiều ngày liên tiếp, anh Hiếu xếp hàng nửa tiếng chỉ đổ được 30.000 đồng tiền xăng. Khách gọi nhưng đang bận xếp hàng hoặc không đủ xăng chạy quãng đường cho phép, anh buộc phải tắt ứng dụng hai giờ.

    "Chờ đợi là mất thời gian mà tắt app nhiều là ảnh hưởng thu nhập. Không tắt lỡ người ta chờ tội nghiệp", anh nói. Mới gần một tháng nhưng thu nhập của anh đã giảm khoảng 1/3 giống như nhiều đồng nghiệp khác, chỉ vì thường xuyên phải "tắt app, chạy tìm chỗ đổ xăng".

    Cũng đang phải học cách thích ứng, gần một tháng nay, anh Nguyễn Trung Tuấn 40 tuổi, ở quận Tân Bình đặt chuyện đổ xăng lên ưu tiên hàng đầu. "Chưa hết tôi cũng đổ. Cứ lúc nào có thời gian rảnh chút là tôi ghé cây xăng", anh nói, sau một lần gần nửa đêm mới đổ được đầy bình xăng cho mình và vợ.

    Anh Đỗ Văn Điền ở Dĩ An, Bình Dương đã chuyển sang đi xe đạp điện ba tuần nay. Con anh cũng đi xe đạp đến trường thay vì người thân đưa đón. "Vừa đỡ thời gian vừa bảo vệ môi trường", người đàn ông làm việc cho một ngân hàng ở Thuận An, nói.

    Trên nhóm ''Đạp xe đi làm" những ngày qua, nhiều thành viên cho biết sẽ chọn xe đạp làm phương tiện đi làm, khi xăng tăng giá lại hiếm. Những bài viết như vậy nhận được nhiều bình luận hưởng ứng. Chị Lê Phương Chi (Hà Nội) quản trị viên của nhóm cho biết, chỉ tính từ tháng 7 đến nay, thành viên của nhóm đã tăng hơn 1.000.

    "Dù những người tham gia nhóm chưa hẳn sẽ đạp xe, chứng tỏ đã họ đã quan tâm hơn đến phương tiện này, trong thời điểm tình trạng xăng khan hiếm xuất hiện'', chị nói.

    Theo: vnexpress.net
    2banh
    2banh.vn