Nam Du đẹp như một lời ru. Đó là quần đảo nhỏ gồm 21 hòn đảo xinh đẹp nằm phía Tây Nam tổ quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang. Khu vực này nằm trong vịnh Thái Lan nên được thừa hưởng sự an yên của vịnh. Bãi đá đen. Ảnh: HỒNG PHÚC Mùa này biển vô cùng xanh trong, lặng sóng, nhiều bãi cát trắng mịn màng sánh ngang với những bãi biển đẹp nhất, người dân thuần hậu, đồ ăn mộc mạc nhưng rất tươi ngon... Nam Du có những yếu tố hấp dẫn của một điểm du lịch quyến rũ mà bất cứ ai từng tới một lần sẽ khó quên. Sau 2,5 giờ đi trên tàu cao tốc SuperDong qua 65 hải lý, bạn sẽ đặt chân lên hòn Củ Tron, đảo lớn nhất trong quần đảo Nam Du. Con tàu mới hạ thủy ba tháng nên còn mới và rất đằm, chạy khá êm nên những người mới đi biển sẽ không lo say sóng. Trước đây mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu 160 chỗ ngồi ra đảo buổi sáng và từ đảo về Rạch Giá buổi chiều, do số lượng du khách đến Nam Du ngày một đông nên tàu SuperDong gồm 171 chỗ ngồi mới được cấp phép thêm. Vậy mà anh Vinh, nhân viên tàu cho biết chuyến nào cũng đầy khách. “Một năm gần đây số du khách đến Nam Du đột ngột tăng mạnh, khiến nhịp sống và bộ mặt quần đảo thay đổi hoàn toàn”, anh nói. Hòn Củ Tron có trên 8.000 dân, nhưng đời sống còn rất đơn sơ. Dân cư ở đây từ Phú Quốc, và một số tỉnh Nam bộ di cư đến đảo trong vòng 20 năm qua. Nghề chính là đánh bắt cá và bán cho đất liền. Trên đảo có trường học nhưng hầu hết trẻ em chỉ học hết tiểu học là bỏ. Số học cao hơn đếm trên đầu ngón tay. Dân trí thấp và mức sống còn nghèo khiến Nam Du có bộ mặt hoang sơ ít có trong các đảo hấp dẫn du lịch. Nhưng cũng vì sự mộc mạc của người dân, đồ ăn từ hải sản rất tươi ngon và rẻ, sự trong lành và xinh đẹp của thiên nhiên mà Nam Du sau khi được những người yêu du lịch khám phá tìm đến và quảng bá trở nên một điểm nóng về du lịch mùa hè này. Một ngày mới trên đảo nhỏ của chúng tôi bắt đầu với chuyến rong chơi bằng xe máy vòng quanh đảo. Một con đường bao quanh đảo 12 ki lô mét đã được làm cách đây ba năm tạo thành một tuyến đường dạo quanh đảo bằng xe máy rất dễ thương. Nếu dạo quanh đảo bằng xe đạp sẽ tuyệt vời hơn nữa nhưng rất tiếc trên đảo chưa có xe đạp cho thuê. Dọc theo tuyến đường, bạn sẽ ngắm mặt trời lên và đón những tia nắng đầu tiên chạm vào mặt biển phẳng như gương trước mắt, không gian an yên đến lạ kỳ, chỉ có bạn và mặt biển tĩnh tại trước mặt, núi xanh tươi phía sau và thậm chí không có lấy một tiếng chim. Tiếp đó bạn len vào những ngõ nhỏ xuyên qua nhà dân trên đảo để thấy cuộc sống của họ còn rất đơn sơ song gần gũi. Họ túm tụm nói chuyện vào buổi sáng, phụ nữ trẻ em thì ăn uống, đàn ông uống cà phê ngay trước nhà. Bất cứ ai cũng sẵn sàng mỉm cười chào du khách. Bạn cũng sẽ qua những bãi tắm đẹp nhất. Bãi Mến với rặng dừa nghiêng mình hướng ra biển, bãi đá đen chủ yếu là đá cuội nhỏ lạ lẫm dưới làn nước trong vắt, xen giữa các bãi cát là làng chài nhỏ với thuyền cá xếp bên nhau nghỉ ngơi sau một đêm ra khơi. Và một lá cờ bay ở đây nhắc ta nhớ về tổ quốc nơi góc biển chân trời. Theo những con đường nhỏ, xung quanh là rừng cây xanh mượt mà, cỏ lau bung bông trắng xốp và phượng đỏ, bạn lên ngọn hải đăng ở đỉnh núi cao nhất trên đảo. Từ đây bạn có thể ngắm toàn bộ khung cảnh xung quanh với các hỏn đảo nhỏ duyên dáng trên mặt biển bao la: hòn Ngang, hòn Móng Tay, hòn Mấu, hòn Tre, hòn Ông, hòn Lớn... ngoài khơi những con tàu đánh cá lững thững đi về, những bãi cát trắng mịn và rặng dừa xinh đẹp. Gió lồng lộng và phong cảnh như giấc mơ ở nơi đây chắc chắn quyến rũ được những người khó tính nhất. Trên con tàu chở khách ra thăm các hòn đảo trong quần thể cụm đảo Nam Du, tôi gặp ông lão Đốc. Ông cùng gia đình từ Phú Quốc dạt qua Nam Du và là những công dân lâu năm nhất trên đảo, hơn 30 năm ở đây, năm người con ông đều đã lớn và làm nghề cá. Trên vai ông nước biển khô còn đọng li ti vẩy muối trắng, từng lời nói đều có vị mặn của biển khơi. Nhưng Nam Du còn là một lời ru xinh đẹp mà chưa trọn vẹn. Đường sá, đời sống nhân dân trên đảo khá lộn xộn, rác tràn lan khắp nơi, còn những kiểu làm du lịch chụp giật và gây khó khăn cho khách. Đảo chưa có khách sạn, khách du lịch chỉ có thể ở trong những nhà trọ đơn giản của dân mới xây hoặc ở nhờ nhà dân. Điện trên đảo dùng máy phát nên sẽ bị tắt từ 11 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Vịnh Thái Lan, nhìn từ ngọn hải đăng trên đảo Nam Du. Ảnh: Hồng Phúc Sự đổ bộ ồ ạt của du khách đến đây có thể là một lý do gây cú sốc cho đảo nhỏ. Người dân sau phút bỡ ngỡ vì đột nhiên được nhiều người biết đến giờ tập “chạy theo cơ chế thị trường”. Những nhà trọ máy lạnh wifi đầu tiên đã mọc lên. Giá dịch vụ, thực phẩm, thuê nhà trọ tăng vùn vụt. Ông Trần Thế Dũng, Giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ mới, một trong những người đã tìm hiểu và xây dựng tour đến đây đầu tiên cho biết: “Giá hàng hóa, dịch vụ tăng mỗi ngày, một số người làm trong bộ phận quản lý bắt đầu gây khó khăn cho du khách với luật lệ không giống ai, một số người cung cấp dịch vụ du lịch gần đây đã chạy theo đồng tiền mà phá bỏ chữ tín trong kinh doanh. Đó là điều sẽ làm hỏng Nam Du nếu chính quyền địa phương và các cơ quan có trách nhiệm không nhìn nhận lại vấn đề và tạo thêm những trật tự cần thiết để có một hòn đảo du lịch văn minh và giữ nguyên bản sắc địa phương”. Giá đất cũng đang tăng chóng mặt vì bắt đầu có những người ra đảo tìm mua đất để xây khách sạn, resort. Điều khiến du khách khó quên nhất và buồn lòng nhất ở đây là rác. Rác khắp nơi, tràn lan trên đường ngoài ngõ, rác làm xấu những bãi biển và ngập tràn ngay chân cầu tàu, nơi du khách bước chân đầu tiên lên đảo. Ruồi muỗi vì thế rất nhiều. Chúng bu đen trên các mẹt phơi hải sản khiến người ta không khỏi lo ngại về chất lượng sống và vệ sinh. Chính quyền đảo tăng giá thuế, phí, vé tàu, dịch vụ... nhưng còn lơ là chăm lo môi trường và sức khỏe cộng đồng. Điều cần làm ngay để giữ hồn cốt Nam Du là tổ chức việc thu gom và xử lý rác, tuyên truyền một phong cách du lịch bền vững và văn minh để Nam Du giữ mãi được vẻ đẹp của mình. Nguồn TBKTSG