1. Biker mới

    Chia sẻ kinh nghiệm vượt thác, leo núi

    Thảo luận trong 'Phượt' bắt đầu bởi , 20 Tháng mười hai 2017.

    Kinh nghiệm thực tế từ những người đã phượt nhiều năm sẽ giúp ích cho các bạn trẻ thích phượt có thêm nhiều kiến thức bổ ích.

    Mấy năm trở lại đây, trào lưu “phượt” đã lan rộng và được yêu thích trong giới trẻ. Tuy nhiên, trên những cung đường đẹp như trong cổ tích là những hiểm nguy rình rập. Vì vậy các bạn trẻ nếu có đam mê những chuyến hành trình thì cần phải chuẩn bị thật kỹ để chuyến đi của mình được an toàn. Hãy cùng nghe các những “phượt gia” từng có nhiều năm đi phượt chia sẻ kinh nghiệm chinh phục 4 địa điểm được rất nhiều bạn trẻ muốn khám phá.

    Chinh phục đỉnh Fansipan

    Fansipan (viết tắt: Fan) là ngọn núi nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, tiếng địa phương là HuaSiPan - có nghĩa là "phiến đá khổng lồ chênh vênh". Ngọn núi vẫn được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương bởi độ cao 3.143m so với mực nước biển. Vẻ đẹp đắm say của rừng hoa đỗ quyên, rừng trúc, rừng tùng khiến bao du khách mê đắm. Thế nhưng cung đường lên đỉnh Fan không hề đơn giản. Không chỉ là đường núi hiểm trở mà bạn còn rất dễ bị lạc nếu như không tuân thủ các quy tắc bất di bất dịch.

    Anh Cao Hải Hưng là một người đã từng chinh phục đỉnh Fan 4 lần đã chia sẻ những kinh nghiệm quý giá của mình.

    Chia se kinh nghiem vuot thac leo nui
    Anh Cao Hải Hưng (thứ 2 từ trái sang) cùng đoàn leo Fan của mình.
    Điều đầu tiên bạn phải biết đó là thời tiết leo Fan. Khoảng thời gian lý tưởng nhất để leo Fan là từ cuối tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Vì thời điểm mùa đông hay săn được những biển mây, còn mùa xuân thì rất nhiều hoa đua nở trên rừng Hoàng Liên Sơn.

    Điều thứ hai cũng quan trọng đó là sức khỏe. Với cung đường nào cũng vậy, cần phải chuẩn bị thể lực tốt trước khi đi, nhất là các bạn ít hoạt động. Bạn nên tập luyện trước khi đi càng sớm càng tốt. Các bạn có thể tập tại chỗ như đứng lên, ngồi xuống, kiễng chân hoặc chạy bộ. Khi chạy bộ các bạn mang theo 1 ba lô (chính là chiếc ba lô bạn leo Fan). Các bạn nữ thì ba lô thường nặng 2 - 3 kg, còn các bạn nam từ 5 - 7kg. Các cung leo Fan thường có porter (người dẫn đường, khuân vác) nhưng các bạn vẫn phải mang theo ba lô để đựng nước uống, áo ấm và đồ ăn nhẹ trên đường đi.

    Điều thứ ba cần lưu ý là đồ vật mang theo. Các bạn mang tốt nhất là 2 bộ quần áo, 1 bộ lúc leo, 1 bộ để tối khi đi ngủ, nên mang quần áo thật ấm vì trên núi về đêm rất lạnh. Bên cạnh đó, là một bộ quần áo mưa mặc khi trời mưa hoặc đề phòng khi rét quá, ngoài ra còn có giày, tất, găng tay, khăn len ấm và mũ vành rộng. Một số đồ dùng khác như bộ dụng cụ y tế để sơ cứu, đèn pin và ít túi nilon nhỏ để đựng đồ phòng khi trời mưa.

    Điều thứ tư rất quan trọng đó là phải tuân thủ tuyệt đối các quy tắc của đoàn, không tự ý tách đoàn, phải chú ý bám theo nhau, người sau phải nhìn thấy người trước. Khi cảm thấy mệt thì không nên dừng lại hoàn toàn, ngồi thụp xuống ngay mà nên đứng lại một lúc, tựa vào vật có vị trí cao, cho chân duỗi thẳng, tựa ba lô lên phía sau để giảm nhẹ sức nặng.

    Thác Bản Giốc

    Thác Bản Giốc được xem là một trong những tặng vật vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho Cao Bằng. Đó là một thác nước cao, hùng vĩ và đẹp vào bậc nhất của Việt Nam. Đây là một trong những địa điểm được dân phượt “say” vào mùa này (mùa nước đổ) trong năm. Vì lúc này cảnh thác được ví như đến “cõi tiên”, giữa thác có một mô đá rộng phủ đầy cây đã xẻ dòng sông thành ba luồng nước như ba dải lụa trắng.

    Chia se kinh nghiem vuot thac leo nui - 2
    Chị Thu Thủy (thứ 2 từ trái sang).
    Chị Lâm Thu Thủy (Hà Giang) người đã có 2 năm kinh nghiệm chia sẻ: Cũng như các cung đường khác, khi bạn đi thác Bản Giốc cần phải chuẩn bị một số đồ dùng cần thiết mang theo như quần áo ấm (thời tiết về đêm ở đây khá lạnh), bò húc, cafe, đường glu, chanh (ngậm miệng) để khi đi trên đường, nó sẽ giúp bạn tỉnh táo vì đây là cung đường khó đi, đèo nhỏ hẹp rất nguy hiểm.

    Một số đồ dùng y tế như thuốc đau bụng, nhức đầu, cảm cúm, thuốc chống côn trùng. Chuẩn bị 2 đôi giày đế mềm và đôi dép tổ ong vì leo trèo nhiều, ngoài ra thì mang đèn pin, quần áo mưa, dao đa năng, giấy tờ xe, mũ bảo hiểm loại tốt, có kính chắn. Ngoài ra các bạn có thể mang theo sổ tay cá nhân để ghi chép những địa chỉ quán ăn, danh lam thắng cảnh cần thăm, lịch trình chuyến đi.

    Lưu ý lớn nhất khi đi trên đường đó là không được đi quá tốc độ cho phép. Đi từ Bản Giốc về Bắc Cạn đường rất đẹp nhưng cua và dốc, dễ bị tai nạn nên đoạn này phải đi thật cẩn thận. Từ Cao Bằng về Bắc Kạn qua 5 cái đèo, đèo nào cũng dài, cũng đẹp, đổ đèo cũng “phê” nhưng phải thật tỉnh táo vì dễ bị “xòe”.

    Hà Giang - vùng đất địa đầu Tổ quốc

    Nếu ai đã từng đến Hà Giang - vùng đất địa đầu Tổ quốc thì ắt hẳn sẽ mang một lời hứa sẽ trở lại ở trong tim. Với sự hùng vĩ của phong cảnh núi non, những con đường đẹp như trong mơ, Hà Giang là một địa điểm đốn tim dân phượt. Hà Giang với cao nguyên đá hoang sơ và cũng rất oai hùng, tráng lệ, những phiên chợ tình nhộn nhịp, những nồi thắng cố nghi ngút khói, và cả những đồi hoa mận, hoa mơ trắng ngợp trời. Tuy nhiên để có một chuyến đi thực sự ý nghĩa và an toàn, bạn nên trang bị những hành trang cần thiết.

    Chia sẻ của anh Bùi Thanh An (Hà Nội) với kinh nghiệm đi phượt hơn 5 năm về cung đường Hà Giang sẽ giúp ích cho các bạn đang muốn chinh phục vùng đất này.

    Chia se kinh nghiem vuot thac leo nui - 3
    Anh Bùi Thanh An (ngoài cùng từ trái sang).
    Hà Giang luôn ẩn chứa những vẻ đẹp mà không một vùng đất nào có được. Đi Hà Giang mùa nào cũng thấy đẹp, thấy mê. Vào những ngày đầu năm, nếu bạn muốn đón một cái Tết ở một vùng đất với 23 dân tộc khác nhau thì chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên một dư vị khác biệt không lẫn vào đâu được ở nơi này. Vào tháng 8, tháng 9, Hà Giang phủ đầy một màu vàng của những ruộng bậc thang lúa chín, hay tháng 10, tháng 11, Hà Giang được nhuộm bởi sắc tím hồng của một loài hoa đẹp lạ kỳ mang tên Tam Giác Mạch.

    Về phương tiện đi lại, các bạn có thể đi ô tô hoặc xe máy. Nếu đi xe máy, mỗi “xế” nên kiểm tra, bảo dưỡng lại xe vì cung đường Hà Giang khá dài. Với những cung phải vào sâu trong núi hoặc bản thì nên lựa chọn loại xe gọn nhẹ như Dream, Wave, Sirius,… Mỗi xe nên chuẩn bị một săm sơ cua. Một đoàn nên cắt cử một người biết sửa chữa xe và mang theo bộ dụng cụ sửa chữa xe thông thường. Nên tìm người dẫn đường có kinh nghiệm làm trưởng đoàn.

    Trên đường đi, các bạn phải đi đúng tốc độ cho phép, không phóng nhanh, vượt ẩu, không bóp còi, nẹt pô ầm ĩ. Đi thành hàng một, không đi hàng hai, hàng ba, lưu ý đổ xăng đầy trước khi đi. Đi khoảng 100 - 150 km thì nên dừng nghỉ một lần, đồ đạc buộc chắc chắn. Các đoàn nên dán phản quang ở mũ và xe để có thể nhìn thấy xe của đoàn trong đêm.

    Các địa điểm không thể bỏ qua ở Hà Giang mà bạn cần nhớ đó là: Cao nguyên đá Đồng Văn, cổng trời Sà Phìn, Mã Pí Lèng (được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất đèo”), chợ tình Khau Vai, núi đôi Quản Bạ,…

    Mù Cang Chải

    Những cung đường đầy mạo hiểm, những ruộng bậc thang với một màu vàng ươm của mùa lúa chín, những ngôi nhà ẩn hiện trong mây luôn là một trong những điểm khiến Mù Cang Chải thu hút khách du lịch. Bên cạnh vẻ đẹp thơ mộng của mảnh đất này, thì luôn ẩn chứa những mối nguy hiểm tiềm tàng phải chú ý. Bạn Ánh (sinh năm 1992, Hà Nội) đã có 2 năm kinh nghiệm đi phượt háo hức chia sẻ: Mùa đẹp nhất ở Mù Chang Chải là mùa nước đổ cuối tháng 6 đầu tháng 7 và mùa lúa chín từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9.

    Chia se kinh nghiem vuot thac leo nui - 4
    Bạn Ánh (ngoài cùng từ trái sang) cùng với những người bạn của mình.
    Khi chinh phục mảnh đất này có một số đồ dùng không thể bỏ qua đó là: mũ bảo hiểm xịn, giáp bảo vệ chân tay. Ngoài ra, bạn cần mang đồ y tế, thuốc men cá nhân (chuẩn bị như các cung đường khác), áo mưa bộ, ủng đi mưa và quần áo nhanh khô.

    Bạn cần phải kiểm tra bảo dưỡng xe máy trước khi đi, nhất là phanh xe. Khi di chuyển, bạn phải quan sát kỹ và tập trung, tuân thủ luật giao thông và thứ tự sắp xếp trong đoàn. Mỗi đoàn nên photo cho tất cả thành viên một tờ giấy có ghi số điện thoại của mọi người, để đề phòng khi có chuyện gì xảy ra thì có thể liên lạc kịp thời.

    Tạm kết

    Có ai đã từng nói rằng “Nên đi phượt một lần trong đời”, đi để trải nghiệm, đi để tìm hiểu, khám phá, và đi còn để nhìn ra bản thân mình. Bạn có thể háo hức, có thể hồi hộp trước mỗi chuyến đi, mỗi cung đường nhưng bạn không được phép để mình nóng vội, cẩu thả. Đi phượt rất thú vị nhưng cũng rất nguy hiểm, bạn cần phải chuẩn bị kỹ những điều cần biết trước mỗi chuyến đi, tuân theo sự chỉ dẫn của trưởng đoàn để tránh những tai nạn xấu có thể xảy ra. Tôn trọng tính mạng mình và tôn trọng tính mạng người khác, đó là điều các bạn nên nhớ trong mỗi chuyến phượt dài.

    Theo Báo Đất Việt
    Phượt gia chia sẻ kinh nghiệm vượt thác, leo núi
    2banh
    2banh.vn
  2. thanhthuy143

    thanhthuy143 Biker cấp 1

    chỉ thế thôi à