KTM 1290 Super Duke R là chiếc xe mạnh mẽ nhất trong dòng moto nakedbike của KTM. Chiếc xe được trang bị khối động cơ xylanh kép, xếp hình V-Twin cho tổng dung tích lên tới 1301 phân khối, công suất 180 mã lực, sử hữu ngoại hình đậm chất hầm hố nhưng trọng lượng tổng thể của chiếc xe lại nhẹ hơn những đối thủ cùng phân khúc tới 20 kg, một sự chênh lệch rất lớn và đó chính là một trong những lý do khiến cho chiếc xe này nhìn thì sợ nhưng lái rồi thì sẽ khen. Thiết kế của 1290 Super Duke R dựa trên hình dáng chung của những chiếc Duke khác ví dụ như 125 Duke, 200 Duke, 390 Duke... Nhưng tất nhiên đã được nâng cấp nhiều yếu tố cho xứng với vị thế của nó bao gồm gắp đơn ở phía sau, khối động cơ V-Twin kích thước to, thùng xăng có thêm 2 miếng ốp ở 2 bên nhìn như 2 cái răng nanh, đèn pha dạng dẹt, màn hình Dashboard kích thước to và sử dụng linh kiện của những hãng có tên tuổi lớn ví dụ như heo dầu Brembo, phanh ABS của Bosch, còn giảm xóc trước và sau vẫn của hãng WP tương tự như những chiếc Duke trước. Khu vực thùng xăng là phần có kích thước lớn nhất của chiếc xe, dung tích 18 lít và lại còn có thêm 2 miếng ốp nên càng bè ra hơn, nhưng xét tổng thể thì nó vẫn nằm gọn trong kích thước của xe chứ không nhô ra bên ngoài quá nhiều. Thùng xăng bè rộng ra ở phía trên và thu hẹp xuống ở phía dưới để người lái ôm chân vào. Thử ngồi lên xe, Super Duke R có chiều cao yên lên tới 835mm, thuộc lại cao trong giới mô tô, với chiều cao của mình khoảng 1m73 thì mình vẫn có thể chạm được hết hai bàn chân cùng lúc. Ngoài ra trọng lượng của xe cũng không quá nặng nên không có cảm giác sợ bị ngã hoặc mỏi chân khi phải chống lâu. Thật sự con số 200 kg của xe không hề nhỏ, cũng không thể nói là xe nhẹ được nhưng trọng lượng đó được phân bổ hợp lý trên toàn thân xe, cho nên khi bạn đã ngồi lên yên rồi thì việc lái nó thậm chí là đánh võng một chút cũng sẽ thấy khá nhẹ nhàng chứ không còn cảm giác nặng nữa. Làm một cái so sánh nhỏ, ví dụ như Z1000 2015 có trọng lượt ướt là 221 kg, CB1000 2015 ướt cũng lên tới 220 kg, còn 1290 Super Duke R thì chỉ nặng cỡ 200 kg sau khi đổ đầy xăng. Chênh lệch 20kg là một con số rất lớn đối với các loại xe máy và nó ảnh hưởng rất nhiều tới cảm giác của người lái xe. Nhất là ở Việt Nam khi mà chúng ta phải thường xuyên đối mất với cảnh kẹt xe nhích từng chút một bằng chân, lên xuống lề, dắt xe... Trong khi đó momen xoắn của Z1000 là 111 Nm, CB1000 là 99 Nm còn Super Duke là tới 144 Nm, trọng lượng của xe lại nhẹ hơn nên chắc chắn sẽ tạo được nhiều lợi thế khi so tốc độ trực tiếp với hai đối thủ trên. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì dung tích xy-lanh của Super Duke cao hơn các đối thủ tới 300cc. 1290 Super Duke R có tổng cộng 3 chế độ lái (mode) bao gồm Street, Sport và Rain, hai mode đầu được cài full mã lực là 180 HP, còn mode Rain dùng khi trời mưa hoặc đường ướt thì giảm xuống còn 100 HP, có thể chuyển chế độ ngay trong lúc lái mà không cần phải dừng xe. Có lần đang lái xe gặp trời mưa nên mình đã chuyển thử qua Rain xem chạy có khác không. Chuyển mode bằng 4 phím cứng ở bên tay trái, nhờ có phim to mà bấm rất dễ, không phải thao tác lâu. Sau khi chuyển thì cảm thấy gia tốc có vẻ như không thay đổi, mình chưa thử trên đường trường nó khác ra sao nhưng lái trong thành phố thì gần như không có khác biệt. Theo KTM cho biết, khi chuyển qua chế độ Rain, ngoài việc công suất giảm xuống còn 100 HP thì hệ thống điện tử của xe còn tự động điều chỉnh cả độ bám đường của lốp và vòng quay của bánh xe nhằm hạn chế tối đa tình trạng trượt bánh, kết hợp với công nghệ chống bó cứng phanh ABS để mang lại hiệu quả an toàn cao hơn, đặc biệt là khi thắng gấp lúc đường ướt hoặc trời mưa. Ngoài trường hợp đó ra thì nó còn đảm bảo cho xe không bị bốc đầu bất ngờ khi người lái kéo ga quá nhanh. Lái xe đi uống trà sữa ở SG thì mình chỉ dám để Street thôi, vào số 1 rồi mình nhanh chóng móc qua số 2 luôn cho an toàn, nhưng đáng sợ cái là số 2 vẫn còn quá mạnh, chỉ cần kéo nhẹ ga hơi nhanh một tí là đồng hồ đã điểm lên con số 70 km/h còn tấm thân hao gầy của mình thì gần như bị đẩy ngược về sau bởi gia tốc quá nhanh của chiếc xe. Thật sự việc lái Super Duke trong thành phố chỉ cần số 2 là quá đủ để di chuyển, bao gồm luôn cả trường hợp khi thói trẻ trâu nổi lên muốn kéo ga để vượt mặt mấy chiếc xe thần thánh khác :D Chỉ cần vài phút làm quen là bạn sẽ có thể làm quen với gia tốc của chiếc xe, từ đó sẽ quen với số 1, số 2 và 3 của xe để chạy nhuần nhuyễn hơn. Ở số 1 và 2, xe hơi gằn, nhưng khi chuyển qua số 3 thì xe êm hẳn, xe bớt thốc hơn nhưng chạy sẽ êm hơn nhiều. Cảm giác lái Super Duke ở vận tốc thấp tỏ ra rất dễ chịu và thoải mái, ở vòng tua thấp xe chỉ từ từ lăn bánh chứ không quá thốc về phía trước, nhưng khi kéo ga nhiều hơn thì gia tốc của xe tăng rất nhanh và lao vút đi một cách chả cần biết là nó nặng tới 200 kg. Super Duke sử dụng hệ thống dẫn bằng điện gọi là RIDE-BY-WIRE, khi bạn kéo ga thì mệnh lệnh đó sẽ được truyền bằng điện tử xuống động cơ, từ đó điều tiết hệ thống các ống van của động cơ và mang lại hiệu quả tăng tốc mượt mà, chính xác, không có độ trễ. Côn tay của xe không quá cứng và nặng như những chiếc 1000 phân khối khác, nhưng khoảng cách từ tay cầm cho đến côn tay khi nhả hết côn là khá xa, mặc dù ngón tay mình dài nhưng cũng cảm thấy hơi với một chút, do đó lúc nào cũng phải giữ và nhấp côn chứ không dám thả ra hết vì sợ gặp tình huống bất ngờ sẽ không bóp côn lại kịp. Về khoản nhiệt độ, khi chạy thì bạn sẽ thấy nóng nhất là ở cổ chân phải, sau đó là tới hai phần dưới của đùi, xe 1000cc nào thì cũng nóng hết nhưng mà so với nhưng chiếc khác thì Super Duke mát hơn khá nhiều. Tiếng pô của xe nghe đỡ chán hơn những chiếc Duke nhỏ hơn vì xe có tới 2 động cơ (V-Twin), nó không hú đều như các xe 4 động cơ được nhưng vẫn trầm ấm và uy lực, tiếng động cơ vang rất xa, âm thanh không quá khô khan như Ducati. Chất lượng hoàn thiện của Super Duke vẫn không cao hơn những chiếc Duke khác và đây cũng chính là nhược điểm gần như duy nhất của nó. Việc sử dụng quá nhiều chi tiết bằng nhựa tuy giúp chiếc xe nhẹ hơn đáng kể nhưng lại làm chiếc xe kém sang trọng. 1290 Super Duke R 2015 có hai phiên bản màu: Cam và Đen. Cam là màu sắc chủ đạo của KTM còn Đen thì nhìn ngầu hơn, liền lạc hơn. Thông số của KTM 1290 Super Duke R 2015: Động cơ: 2 xy-lanh V-Twin 75 độ, 4 thì, 1.301cc, 6 số, tản nhiệt nước Công suất: 180 HP@ 8.870 RPM Momen xoắn: 144 Nm @ 6.500 RPM Tỷ số nén: 13.2:1 Đường kính x Hành trình piston: 108 x 71 mm Giảm xóc trước: của hãng WP, hành trình ngược, phi 48 mm Giảm xóc sau: của hãng WP Lốp trước: 120/70ZR-17 Dunlop SportSmart 2 Lốp sau: 190/55ZR-17 Dunlop SportSmart 2 Phanh trước: 2 x đĩa 320 mm, heo dầu Brembo 4 piston, phanh ABS của Bosch Phanh sau: 1 x đĩa 240 mm, heo dầu Brembo 2 piston, phanh ABS của Bosch Độ cao gầm: 140 mm Chiều cao yên: 835 mm Thùng xăng: 18 lít Trọng lượng khô: 189 kg Trọng lượng ướt: khoảng 202 kg Dưới đây là một số hình ảnh cận cảnh khác trên xe: Đèn pha dạng led demi nhìn cá tính. Phuộc sau dạng mono có bình dầu. Cụm đồng hồ dạng LCD thể hiện rất rõ các thông tin cần thiết. Cụm công tắc điều khiển nằm bên trái. Chiếc xe được trang bị khối động cơ xylanh kép, xếp hình V-Twin cho tổng dung tích lên tới 1301 phân khối, công suất 180 mã lực. Mời các bạn xem Clip cận cảnh nhé: Nguồn: tinhte.
2 xylanh, pô zin nên hơi thế là đúng rồi. Bù lại cc cao, chiếc này phù hợp với những người thích xe mạnh nhưng không ồn ào.