1. Biker cấp 3

    Các giải pháp phòng dịch có người trở về từ TP.HCM cho các tỉnh

    Thảo luận trong 'Chuyện trò' bắt đầu bởi , 7 Tháng mười 2021.

    Đầu tháng 10, sau khi TP.HCM và Bình Dương nới lỏng giãn cách, nhiều lao động nghèo đã quyết định trở về quê hương sau nhiều tháng thất nghiệp. Điều này gây ra những lo ngại về khả năng dịch lây lan rộng hơn trong thời gian tới. Theo PGS Đỗ Văn Dũng, các địa phương cần đưa ra chính sách phù hợp tình hình dịch nhưng nên có sự thông cảm với người dân.

    Trao đổi với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, nhận định nguy cơ lây nhiễm nCoV dẫn tới bùng phát dịch Covid-19 từ tình trạng người dân đổ về quê hương là khá rõ ràng. Tuy nhiên, các địa phương nên đưa ra những chính sách phù hợp với tình hình, tránh xử lý quá cứng nhắc.

    Chính sách cởi mở hơn về việc cách ly
    PGS Dũng khẳng định: “Nguy cơ bùng phát dịch tại những địa phương có người lao động trở về là rất cao. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, tỷ lệ dân số được tiêm vaccine Covid-19 tại các tỉnh miền Tây còn chưa cao”.

    Do đó, theo vị chuyên gia này, việc kéo dài thời gian giãn cách xã hội tại những tỉnh miền Tây sẽ cần được cân nhắc dựa trên tình hình hoạt động kinh tế xã hội của từng địa phương và nguy cơ cụ thể.

    Cac giai phap phong dich co nguoi tro ve tu TPHCM cho cac tinh
    Hai vợ chồng người An Giang trên đường trở về quê sau 4 tháng cầm cự ở Bình Dương. Ảnh: Duy Hiệu.

    Ngoài ra, các địa phương này cũng nên có biện pháp để động viên người dân trở về tự giác khai báo y tế, qua đó kiểm soát tốt lịch trình di chuyển của họ, tránh gây ra tình trạng lây lan virus trong cộng đồng.

    “Các tỉnh, thành phố nên có sự cởi mở, thông cảm cho những người dân phải trở về địa phương sau dịch. Họ có thể do nhu cầu cuộc sống, thiếu thốn tình cảm hay tâm lý lo lắng nên buộc phải làm vậy. Điều quan trọng là không kỳ thị hay đưa ra những chính sách bắt buộc, gây ra tình trạng hỗn loạn”, PGS Dũng nhấn mạnh.

    Trưởng khoa Y tế Công cộng của Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng việc những người dân từ TP.HCM hay Bình Dương trở về bị yêu cầu cách ly tập trung bất kể đã tiêm vaccine, không liên quan F0 hay âm tính với SARS-CoV-2 sẽ có tâm lý chống đối, thiếu tinh thần hợp tác, thậm chí giấu tình trạng sức khỏe.

    Ông Dũng khẳng định: “Chính những điều này khiến nguy cơ lây nhiễm nCoV trong cộng đồng và dịch Covid-19 bùng phát tại các địa phương trở nên cao hơn”.

    Không những vậy, việc đưa tất cả trường hợp trở về địa phương vào khu cách ly tập trung cũng mang đến nguy cơ không nhỏ về tình trạng lây nhiễm chéo.

    PGS Dũng nhận định các địa phương chỉ nên cách ly tập trung các trường hợp F1 chưa tiêm vaccine Covid-19 hoặc không đảm bảo các biện pháp phòng dịch. Nguyên nhân là những trường hợp này có thể làm lây lan virus cho người khác.

    Trong khi đó, những người đã tiêm đủ liều vaccine sẽ có xác suất mắc bệnh rất thấp. Nếu cách ly tập trung toàn bộ F1, bên cạnh các chi phí sinh hoạt cơ bản, chúng ta còn lãng phí thời gian nhóm này có thể lao động, đóng góp cho xã hội.

    “Đây cũng là biện pháp để cá thể hóa các biện pháp can thiệp y tế công cộng của Việt Nam. Cụ thể, người đã tiêm vaccine sẽ được áp dụng những biện pháp khác so với trường hợp không tiêm. Từ đó, chúng ta có thể khuyến khích người dân tiêm chủng vaccine cũng như tuân thủ các quy định phòng dịch”, vị chuyên gia kết luận.

    Chiến lược tiêm vaccine cho người cao tuổi
    Bên cạnh chính sách về cách ly, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết thêm nguy cơ lớn nhất đối với các tỉnh, thành phố tiếp nhận người lao động trở về quê hương là quá tải hệ thống y tế. Tình trạng này dẫn tới nhiều vấn đề khác cũng như tăng tỷ lệ tử vong.

    “Để giảm tải cho hệ thống y tế, vaccine là giải pháp tốt nhất. Do đó, thời gian tới, các địa phương này rất cần được bổ sung vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho người dân”, ông nhận định.

    Cac giai phap phong dich co nguoi tro ve tu TPHCM cho cac tinh - 2
    Đoàn người đi xe máy từ Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM chờ được dẫn đường qua nội đô Hà Nội để tiếp tục hành trình về quê. Ảnh: Việt Linh.

    Trong trường hợp vaccine còn chưa đủ, PGS Dũng cho rằng các địa phương này nên ưu tiên tiêm trước cho người lớn tuổi. Nhóm đầu tiên là những người trên 65 tuổi, sau đó tới trường hợp từ 50 tuổi trở lên.

    Trên thực tế, việc này cũng đã nằm trong hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

    Vị chuyên gia giải thích: “Những người trẻ khi nhiễm SARS-CoV-2 thường diễn biến nhẹ, từ đó không gây quá tải cho ngành y tế. Trong khi đó, những người lớn tuổi sẽ có tỷ lệ diễn biến nặng rất cao, phải nhập viện, chăm sóc hồi sức tích cực, thở máy..., thậm chí tử vong”.

    Nếu không tính toán đến tỷ lệ tử vong ở người lớn tuổi nhiễm nCoV, việc những trường hợp này nhập viện với số lượng lớn cũng gây ra tình trạng quá tải hệ thống y tế, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Các cơ sở y tế không thể tiếp nhận và điều trị bệnh nhân thông thường.

    “Nếu tổ chức tiêm chủng không đúng trọng tâm, trường hợp virus lan rộng và ảnh hưởng tới nhóm người cao tuổi sẽ tác động rất lớn tới hệ thống y tế và sức khỏe cộng đồng. Nhiều bệnh nhân tim mạch, đột quỵ, xuất huyết..., không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới diễn biến nặng và tử vong”, ông Dũng nói.

    Do đó, việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người lớn tuổi là phù hợp với tính chất nhân đạo, đồng thời giúp bảo vệ sức khỏe của toàn bộ người dân trên địa bàn tỉnh.

    Mới đây, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

    Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố tiếp nhận người về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An chỉ đạo thực hiện việc cách ly và xét nghiệm cho người dân. Tất cả người về từ 4 tỉnh, thành này đều phải xét nghiệm SARS-CoV-2.

    Ngoài ra, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố theo dõi chặt người về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và chỉ cách ly những trường hợp chưa tiêm vaccine Covid-19.

    Source: Zing.vn
    2banh
    2banh.vn