Thác Bản Giốc thuộc địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ làm say đắm lòng người và được nằm trong top những thác nước tự nhiên lớn nhất thế giới. Nhắc tới Cao Bằng, nhiều người thường liên tưởng đến ngay những địa danh mang đậm tính lịch sử như hang Pắc Pó hay suối Lê-nin mà không biết rằng thác Bản Giốc cũng là một địa danh đáng để cho bạn tham khảo qua trước khi quyết định có nên đặt chân đến vùng đất xa xôi nằm ở cực Bắc của Tổ quốc mình không nhé! 1. Thác Bản Giốc nằm ở đâu? Thác Bản Giốc cách Hà Nội khoảng 370 km, thuộc địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ làm say đắm lòng người và được nằm trong top những thác nước tự nhiên lớn nhất thế giới. Thác cao 53 m, rộng 300m, có 3 tầng gồm nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. Dưới chân thác là mặt sông rộng, với hai bên bờ là những thảm cỏ và vạt rừng nguyên sinh. Nằm ở ngay biên giới Việt - Trung. Nhìn từ xa thác Bản Giốc đẹp không thua gì tranh vẽ, dòng nước chảy từ trên cao xuống luồn qua khe, trắng xóa giữa rừng cây xanh ngát. Trông như một nàng tiên nữ với mái tóc buông dài bồng bềnh theo mây trời nằm tựa mình giữa thiên nhiên kì vĩ của Cao Bằng. 2. Nên đi thác Bản Giốc vào thời gian nào? Thác Bản Giốc mỗi mùa trong năm đều mang một vẻ đẹp riêng. Khí hậu tại đây được chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9, thác Bản Giốc mang trong mình vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội. Nước không còn chảy nhẹ nhàng mà đã bắt đầu chảy mạnh và xiết hơn, bọt bắn tung tóe khiến bạn ngỡ như làn mây trời đang lũ lượt kéo về khi mưa đến. Đặc biệt tháng 8, là khoảng thời gian lí tưởng nhất để bạn có thể chứng kiến được hết sự hùng vĩ của dòng thác này. @anhdoancj @k.h.i.n @trangphamng Vào mùa khô (tức từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau), dòng thác không còn dữ dội như mùa mưa, thay vào đó là vẻ đẹp yên bình của dòng nước, thời điểm này lúa vàng trổ đầy đồng, nếu đi vào dịp này bạn sẽ tận mắt chứng kiến dòng thác trải như đang trải mình lên tấm thảm vàng óng của lúa chín. Mùa khô đi lại cũng dễ hơn, an toàn hơn mùa mưa đấy, các bạn có thể cân nhắc để lựa chọn lộ trình cho riêng mình. 3. Thế còn gì để chơi gì ở đó? Ngoài thác Bản Giốc là địa điểm chính của cuộc hành trình, bạn cũng nên ghé qua những địa điểm dưới đây để xem hết một lượt Cao Bằng còn những gì "đặc sắc" không nhé! Chùa Phật Tích Trúc Lâm: Sau khi dạo ngắm thác, bạn có thể lên ghé chùa Phật tích Trúc Lâm cách thác khoảng 500m. Ngôi chùa được xây dựng theo kiến trúc cổ của người Việt. Chùa thờ các anh hùng dân tộc, Nam Việt Triệu tổ Hùng Vương. Cùng với thác Bản Giốc, chùa Phật tích Trúc Lâm trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia của tỉnh Cao Bằng. Động Ngườm Ngao: Nằm trong lòng những dãy núi đá vôi, cách Thác Bản Giốc 3km, động Ngườm Ngao là một trong những hang động đẹp nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng được hình thành từ sự phong hoá lâu đời của đá vôi. Đây được coi như một món quà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân tỉnh Cao Bằng. Hồ Thang Hen: Hồ Thang Hen có chung cung đường với Thác Bản Giốc nhưng chỉ cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 30km. Điểm đặc biệt là Hồ nằm trên núi, phải đi khoảng 10km đường đèo lên cao mới đến được hồ. Nơi đây có nước xanh màu ngọc rất tinh khiết và trong lành. Điểm đặc biệt của các hồ và thác ở Cao Bằng là đều sở hữu màu xanh ngọc hiếm nơi nào có. 4. Ăn gì khi đến đây? Vậy là vừa dạo qua một vòng các địa danh ở tỉnh Cao Bằng rồi đấy, giờ sẽ đến chuyên mục "cho gì vào bụng" nhé! Cao Bằng có rất nhiều đặc sản, bạn có thể dễ dàng tìm được ở các chợ của người dân tộc Tày hoặc một vài quán ăn ven đường. Bánh cuốn canh Cao Bằng: Bánh cuốn Cao Bằng không ăn kèm nước chấm pha mắm như cách ăn ở những vùng khác. Thay vào đó, bánh ăn cùng với nước xương ninh thơm thơm vị ớt cùng măng ngâm mắc mật nên còn gọi là “bánh cuốn canh”, để phân biệt với bánh cuốn ở miền xuôi. Hạt dẻ Trùng Khánh: Hạt dẻ Trùng Khánh thường nhỏ nhất cũng bằng ngón chân cái, vỏ lụa rất mỏng, hạt màu vàng sẫm, bùi và thơm ngậy đặc biệt. Để chế biến các món ăn thường vỏ hạt dẻ rất cứng nên muốn nó chín cần phải luộc kỹ. Vịt quay 7 vị Cao Bằng: Đây là đặc sản của người dân tộc Tày, sử dụng 7 loại gia vị đưa vào trong bụng gà, trần sơ qua nước sôi cho thịt săn lại, rồi phủ mật ong bên ngoài xong nướng lên than hồng. Phải nói nhất định phải ăn qua mới cảm nhận được từng thớ thịt thơm ngon đến nhường nào. Lạp sườn: Hương vị lạp sườn Cao Bằng có vị ngon đậm đà của thịt nạc vai ướp các loại gia vị, vị chua chua, thơm ngậy của thịt hun khói và lá, quả mắc mật, thêm một chút vị thơm của củ gừng núi, dai dai của vỏ lòng non bào mỏng và đặc biệt là không dùng chất bảo quản, cũng ít dầu mỡ nên rất dễ ăn chứ không ngấy như các loại thông thường dưới xuôi.