Anh em mê xe chắc không xa lạ với cái tên Kove, thương hiệu Trung Quốc từng khiến cả thế giới xe phải bất ngờ khi dám đưa xe đi chinh chiến tại Dakar Rally và giải World Supersport. Nhưng câu chuyện hôm nay không chỉ về Kove nữa, mà là về một cái tên mới ZXJC và được đứa con tinh thần mới ZXJC 820RR của chính người sáng lập Kove, ông Zhang Xue. Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc: "Ủa, sao ông Zhang lại rời bỏ Kove?" và đó cũng là câu hỏi khiến giới mê xe Trung Quốc xôn xao, nhất là khi sự ra đi của ông không hề được công bố chính thức. Nhưng có vẻ như Zhang không muốn dừng lại mà đang bắt đầu một chương mới với cái tên ZXJC (viết tắt của Zhang Xue Jia Cheng), hay còn gọi là ZXMoto. Và sản phẩm đầu tay khiến cộng đồng phải chú ý là chiếc ZXJC 820RR, một Sportbike thực thụ, đầy tham vọng. Nhìn sơ qua cấu hình, ZXJC 820RR có thể khiến anh em phải tròn mắt với động cơ 3 xi-lanh 819cc, 150 mã lực tại 13.000 vòng/phút, giới hạn tua đến 15.250 vòng/phút, quá gắt cho một mẫu sportbike non trẻ. Xe còn được trang bị hàng loạt công nghệ như IMU 6 trục, kiểm soát lực kéo khi vào cua, ABS góc nghiêng từ Bosch, khung nhôm nhẹ và trọng lượng chỉ dưới 170 kg, rõ ràng là hướng đến hiệu suất thực sự. Thiết kế của 820RR thì không khó để thấy bóng dáng người anh em 500RR, chiếc xe 4 xy-lanh của cùng hãng. Có điều thú vị là động cơ 3 xy-lanh này có vài điểm tương đồng với MV Agusta F3, từ tiếng nổ cho đến cấu trúc xích cam bên trái. Dù ZXJC không nói gì về liên kết công nghệ, nhưng dân trong nghề nhìn là biết ngay đâu là nguồn cảm hứng. Câu hỏi đặt ra là Liệu ZXJC có đơn thuần là Kove phiên bản 2? Có thể không hoàn toàn, nhưng rõ ràng DNA kỹ thuật, triết lý thiết kế và tinh thần đua xe của Zhang vẫn còn nguyên vẹn. Điều này mở ra một hy vọng mới cho ngành công nghiệp xe máy Trung Quốc, không chỉ dừng lại ở xe rẻ mà tiến tới hiệu suất cao, công nghệ cao và đậm chất thể thao. Nếu mọi thứ đúng theo tiến độ, ZXJC 820RR sẽ lên dây chuyền sản xuất vào cuối 2025. Lúc đó, anh em yêu tốc độ kể cả ở Việt Nam có thể sẽ được trải nghiệm một sportbike "Made in China" đúng nghĩa, nhưng mang chuẩn quốc tế. Và điều này hoàn toàn có thể thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về xe Trung Quốc trong tương lai không xa.