Nếu những AE nào từng phải loay hoay chuyển số khi dừng đèn đỏ, quên nhả côn khi khởi hành khiến xe chết máy giữa dòng người đông đúc, hoặc cảm thấy ngán ngẩm với việc bóp nhả côn liên tục khi di chuyển trong thành phố, thì có lẽ AE nên biết đến một xu hướng công nghệ đang 'bùng nổ' trong thế giới xe máy đó là hệ thống truyền động không cần ly hợp (No-Clutch Transmission Systems). Dù là một biker kỳ cựu hay mới tập chơi xe, tôi tin chắc chắn ít nhất một lần ai cũng từng gặp rắc rối vì bộ côn trên xe máy nói chung. Cảm giác ngại ngùng khi xe 'gục ngã' ngay vạch đèn đỏ, bị người xung quanh nhìn chằm chằm như thể chỉ mới tập lái xe côn tay hôm qua, là điều mà ai cũng từng trải qua. Chính vì vậy, công nghệ không cần ly hợp đã ra đời như một 'cứu cánh' cho những tình huống như thế. Theo tôi tìm hiểu được biết hiện nay, có 3 hệ thống truyền động không ly hợp chính (nếu không tính hộp số vô cấp CVT phổ biến trên xe tay ga): DCT (Hộp số ly hợp kép) – công nghệ nổi bật trên các mẫu xe phân khối lớn như Honda X-ADV, Goldwing. DCT sử dụng hai bộ ly hợp riêng biệt cho số lẻ và số chẵn, giúp chuyển số nhanh, mượt mà như thể AE đang lái một chiếc xe tay ga, nhưng vẫn giữ được cảm giác lái của xe số. AMT (Hộp số sàn tự động) – được Yamaha đưa vào các mẫu xe như MT-09 Y-AMT hay Tracer 9 GT. Hệ thống này sử dụng động cơ điện điều khiển côn và cần số thay người lái, cho phép chủ nhân lái xe mượt mà mà không cần bóp côn. Thậm chí có thể bật chế độ tự động hoàn toàn! SCS (Hệ thống ly hợp thông minh) – như trên chiếc MV Agusta Turismo Veloce, sử dụng cơ chế cơ học đặc biệt gọi là "clutch expander" để đóng mở ly hợp mà không cần người lái can thiệp. Một bước tiến gần đến sự tự động hóa hoàn toàn nhưng vẫn giữ tính kỹ thuật cao. Và cuối cùng là CVT – loại truyền động phổ biến trên xe tay ga, giúp xe vận hành mượt mà mà không cần sang số, phù hợp với nhu cầu di chuyển đô thị. Hộp số ly hợp kép DCT độc quyền chính là trái tim của những người lái xe Honda. Hệ thống bánh răng Y-AMT của Yamaha đã bắt đầu được sử dụng trên những chiếc xe phân khối lớn từ 700 – 1.000 cc. Hệ thống ly hợp trong MV Agusta Turismo Veloce Lusso SCS. Hệ thống ly hợp CVT được sử dụng trong xe tay ga thông thường. Vậy có nên từ bỏ “côn tay” truyền thống?Ưu điểm của hệ thống không ly hợp là rõ ràng: dễ điều khiển hơn, giảm thiểu lỗi khi vận hành, chuyển số mượt mà, đặc biệt hữu ích với người mới hoặc khi di chuyển trong đô thị đông đúc. Nhưng không phải ai cũng sẵn sàng “chia tay” cảm giác bóp côn, sang số mà họ đã gắn bó suốt bao năm. Những biker đam mê kỹ thuật, yêu thích cảm giác “chinh phục” xe vẫn đánh giá cao sự chủ động và kết nối giữa người và máy mà côn tay mang lại. Dù hệ thống truyền động không ly hợp (No-Clutch Transmission) mang lại nhiều tiện lợi cho người lái, nhưng vẫn tồn tại một số nhược điểm đáng cân nhắc dưới đây: 1. Cảm giác lái “thiếu chất” Với nhiều người đam mê xe máy, đặc biệt là dân chơi xe phân khối lớn, việc bóp côn, sang số thủ công không chỉ là thao tác kỹ thuật, mà còn là trải nghiệm gắn kết giữa người và xe. Hệ thống không ly hợp làm mất đi cảm giác chủ động đó, khiến xe trở nên “vô hồn” đối với người thích cảm giác thật tay, thật chân. 2. Không hỗ trợ kỹ thuật nâng bánh (wheelie) Trong một số kỹ năng lái nâng cao như bốc đầu xe, bộ côn đóng vai trò then chốt giúp cắt công suất và bung sức mạnh đúng lúc. Với hệ thống không ly hợp, AE khó có thể “chơi” kỹ thuật này một cách chính xác, trừ khi có chế độ đặc biệt can thiệp. 3. Tăng trọng lượng xe Các hệ thống như DCT hoặc AMT đòi hỏi thêm nhiều thiết bị như mô-tơ điện, ECU, cảm biến… làm trọng lượng xe tăng lên đáng kể. Ví dụ, một chiếc Honda CBR650R E-Clutch sẽ nặng hơn đáng kể so với phiên bản thường. 4. Chi phí bảo dưỡng cao hơn Hệ thống không ly hợp có cấu tạo phức tạp, phụ thuộc nhiều vào các cảm biến và bộ điều khiển điện tử (ECU). Điều này dẫn đến: Chi phí sửa chữa và thay thế cao Yêu cầu kỹ thuật viên có tay nghề Phụ tùng khó tìm và đắt đỏ hơn. 5. Phụ thuộc vào hệ thống điện tử Một trục trặc nhỏ trong hệ thống điện, ECU hoặc cảm biến có thể khiến chủ xe không thể điều khiển xe đúng cách. Nếu như bộ côn tay hỏng, AE vẫn có thể “chữa cháy” bằng kỹ thuật, thì với hệ thống điện tử thì gần như “bó tay”. 6. Giá xe cao hơn Các mẫu xe trang bị hệ thống DCT, AMT, hay SCS đều có giá thành cao hơn rõ rệt so với xe số thường. Và đây chắc chắn là rào cản lớn đối với người tiêu dùng phổ thông. Tóm lại, theo tôi nhận thấy hệ thống không ly hợp là bước tiến công nghệ đáng kể, nhưng không hẳn là lựa chọn hoàn hảo cho tất cả mọi người. Nếu những ai đề cao sự thoải mái, dễ sử dụng, và công nghệ hiện đại thì đây là giải pháp phù hợp. Nhưng nếu là người yêu thích sự kết nối giữa người và máy, thích làm chủ mọi tình huống, thì côn tay truyền thống vẫn là đam mê khó thay thế. Vậy còn AE, sẽ chọn truyền thống hay công nghệ mới?
thật sự theo cá nhân mình thì thích cái cách của Honda làm E clutch thật sự tạo nên 1 cái cảm giác vừa cổ điển vì vẫn có côn tay và vừa công nghệ khi không cần bóp côn vẫn chạy được!