1. Biker mới

    Vì sau đi xe tay ga đổ đèo dốc rất nguy hiểm?

    Thảo luận trong 'Chuyện trò' bắt đầu bởi , 30 Tháng mười hai 2019.

    Điều khiển xe tay ga trên những cung đường dốc đòi hỏi người lái phải nắm vững những kỹ năng về phanh cũng như khả năng xử lý tình huống.

    Đi du lịch bằng xe máy đang ngày càng được nhiều người biết đến và quan tâm vì các lợi ích mà nó mang lại như tiết kiệm chi phí, chủ động được thời gian... Tuy nhiên hầu hết đều không trang bị trước cho mình những kiến thức về xe cũng như khả năng xử lý tình huống dẫn đến xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, một trong số đó là tình trạng bị mất phanh khi đổ đèo, đặc biệt khi sử dụng xe tay ga.

    Mới đây, Đà Nẵng đã đưa ra khuyến cáo người dân không sử dụng xe tay ga lên núi Sơn Trà, do lo ngại đường đèo dốc cao với những góc cua khuất có thể gây ra tai nạn giao thông, đặc biệt đối với xe tay ga.

    Xe tay ga có cấu tạo khác với xe số thông thường ở hệ thống truyền động, nếu như xe số thông thường cho phép người điều khiển trả về số thấp để phanh bằng động cơ thì xe tay ga lại không thể làm được điều này.

    Hầu hết người điều khiển xe tay ga khi đổ đèo giảm tốc độ bằng cách rà cả phanh trước và sau của xe trong suốt quá trình xuống dốc, hành động này vô tình khiến cho hệ thống phanh nóng dần lên và tới một nhiệt độ nào đó hệ thống phanh sẽ hoàn toàn mất tác dụng.

    Tuy nhiên theo kinh nghiệm thực tế, xe tay ga vẫn có thể sử dụng thêm một cách phanh nữa tương tự xe số thông thường, đó là sử dụng sức ghì của động cơ để giảm tốc độ xe. Vậy làm cách nào để "kích hoạt" hệ thống phanh động cơ này trên xe tay ga?

    Đầu tiên cần phải nhớ kỹ điều này: Tuyệt đối không được tắt máy xe khi đổ đèo. Đặc biệt, tắt máy xe khi đổ đèo đối với xe tay ga không khác nào một hành động tự sát.

    Điều thứ hai cần lưu ý là cố gắng duy trì vận tốc của xe cao hơn 15 km/h. Tại sao lại phải duy trì vận tốc của xe trên tốc độ đó? Vì xe tay ga sử dụng hệ thống truyền động dạng côn văng, nghĩa là khi đạt tới ngưỡng tốc độ nào đó các lá bố trong bộ bố ba càng sẽ bung ra giúp truyền lực giữa động cơ và bánh xe với nhau.

    Khi đổ dốc hãy cố gắng duy trì ở tốc độ trên 15 km/h, việc tiếp theo cần làm là vặn nhẹ ống ga. Nghe thì có vẻ không đúng, nhưng thực tế hành động vặn ga giúp cho các lá bố bung ra giúp động cơ và bánh xe được truyền lực với nhau, người lái sẽ cảm nhận được xe bị ghì nhẹ lại khi các lá bố được bung ra.

    Khi đã cảm nhận được hãy nhả ống ga ra, động cơ sẽ ghì bánh xe lại tương tự như cách phanh động cơ trên xe số. Bằng cách giảm tốc này, người điều khiển xe tay ga có thể hạn chế hơn việc sử dụng phanh khi đổ đèo.

    Tất nhiên, việc đổ đèo với xe tay ga hay bất kỳ xe máy nào, việc quan trọng nhất vẫn là kỹ năng lái xe. Người lái cần biết cách giữ làn đường, phán đoán góc cua, cách vào cua, phanh khẩn cấp... Xe tay ga dù sao việc hãm tốc độ đổ đèo ở mức an toàn cũng khó hơn so với xe số, vì vậy tốt nhất nên sử dụng xe số để chạy đường đèo núi, vừa khỏe hơn, vừa chủ động được về tốc độ hơn, và an toàn hơn.
    2banh
    2banh.vn