Yamaha đã chính thức thông báo rằng YZF-R1 và YZF-R1M sẽ không được phát triển để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro5+ khắt khe hơn vào năm tới. Kết quả là mẫu xe hàng đầu gia đình R-Series phải biến mất khỏi thị trường sau người em YZF-R6 vào cuối năm nay. Nhưng đã bao giờ anh em thắc mắc vì sao các hãng xe Nhật Bản đang dần rút khỏi thị trường Superbike không? Trong khi các nhà sản xuất Châu Âu hầu như năm nào cũng cho ra mắt xe mới? Tại sao các nhà sản xuất Nhật Bản từ bỏ phân khúc Superbike, nhưng Châu Âu vẫn tiếp tục duy trì? Như đã đề cập, các nhà sản xuất xe máy đến từ Nhật Bản đang rút khỏi thị trường Superbike. Điều này là một phần do nhu cầu thị trường hiện đại ngày càng giảm, hầu hết khách hàng không đủ tiền để sở hữu những chiếc superbike đắt tiền, thay vào đó nhu cầu mong muốn sở hữu chiếc mô tô hạng trung và đặc biệt có thể dễ dàng sử dụng làm phương tiện đi lại hằng ngày đang tăng cao. Có thể thấy điều này thông qua việc Yamaha hủy bán YZF-R1 và YZF-R6 cho thị trường ở Châu Âu, và thay thế bằng các mẫu xe như YZF-R7 và có thể là YZF-R9 trong thời gian tới. Ngoài ra hãng Suzuki cũng đã hủy bán GSX-R1000 tại nhiều thị trường trên thế giới, cũng giống như người anh em hạng trung GSX-R600 và GSX-R750, được thay thế bằng GSX-R8 phổ biến hơn. Không giống như các hãng xe Châu Âu khác như Ducati hay BMW liên tục cập nhật thông số kỹ thuật cho những mẫu Superbike hàng đầu của mình. Họ còn tung ra các biến thể phụ mới mạnh hơn và đắt tiền hơn, thông số kỹ thuật hoàn chỉnh gần như mỗi năm, cho dù đó là BMW M1000RR hay Ducati Panigale V4 SP2,... Nguyên nhân khiến các nhà sản xuất Nhật Bản rút khỏi thị trường Superbike là do cách nhìn nhận về hiệu quả chi phí khác với các nhà sản xuất Châu Âu. Bởi vì nếu so sánh trực tiếp quy mô của các công ty bộ phận xe máy Nhật Bản lớn hơn nhiều so với phía Châu Âu. Tóm lại các nhà sản xuất nhỏ hơn thường có xu hướng tập trung vào sản xuất xe cao cấp, giá cao có lợi nhuận cao hơn để bù đắp cho năng lực sản xuất thấp. Do đó các nhà sản xuất xe máy nhỏ hơn từ phía Châu Âu không ngừng tập trung phát triển những chiếc mô tô có kỹ thuật cao hơn, để phù hợp với hình ảnh thương hiệu cao cấp được trang bị đầy đủ công nghệ và sức mạnh theo cách vượt trội, và có thể định giá cao hơn cho mỗi chiếc xe, lợi nhuận trên mỗi chiếc xe bán ra lớn hơn. Do đó nhiều nhà sản xuất xe máy thuộc danh mục này không có nhiều mẫu xe hạng nhỏ để bán. Các nhà sản xuất xe máy lớn hơn từ phía Nhật Bản có xu hướng nhắm đến số lượng sản xuất cao và giá rẻ hơn, bởi vì thị trường xe máy bình dân có thể tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn. Mặc dù khoản lợi nhuận được xem là nhỏ trên mỗi chiếc xe bán ra, nhưng có thể bù đắp bằng doanh số bán hàng lớn gấp hàng chục lần. Vì vậy các hãng xe Nhật Bản cho rằng việc đầu tư phát triển một chiếc xe thể thao hàng đầu là không xứng đáng, bởi số tiền tương tự để phát triển những mẫu xe phù hợp nhu cầu thị trường chắc chắn sẽ bán được với số lượng lớn hơn, sẽ là phương án phù hợp hơn.