1. Biker mới

    So sánh các chuẩn nón bảo hiểm D.O.T, ECE, Snell

    Thảo luận trong 'Kiến thức chung về xe máy' bắt đầu bởi , 18 Tháng tư 2015.

    Trước khi bắt đầu bài viết này, mình cũng xin chia sẻ thật tình là gần đây có nhiều anh em bị nhầm lẫn, thường hỏi mình có biết chỗ mua “nón DOT” hoặc “nón thương hiệu DOT” hay không.

    Xin đính chính rằng, gọi tên “nón DOT” hay “nón thương hiệu DOT” đều là một sự nhầm lẫn. Một số bạn đọc tới đây sẽ chữa lại bằng từ “nón chuẩn D.O.T”.

    Vậy D.O.T là gì?

    D.O.T là viết tắt của “Department of Transportation” của US (đại loại như kiểu Bộ Giao Thông). Và tiêu chuẩn mà D.O.T dùng để chứng nhận các mẫu nón được phép sử dụng cho việc lưu thông đường bộ tại Mỹ là FMVSS No.218 (Federal Motor Vehicle Safety Standard #218).

    Do đó các bạn sẽ thấy trên các mẫu nón nhập US thường có dán tem DOT hoặc DOT có kèm them chữ FMVSS No.218 để thể hiện là nón đã được chứng nhận bởi D.O.T US. Vậy khi nói tắt rằng 1 chiếc nón đạt chuẩn “D.O.T”, xin hãy hiểu rằng nón đó đã đạt chuẩn FMVSS No.218 của DOT nhé.

    Ngoài ra, thêm một thông tin thú vị khác, là National Highway Safety Administration (Cơ quan quản lý an toàn giao thông cao tốc) không trực tiếp kiểm tra và cấp chứng nhận này cho các mẫu nón bảo hiểm. Mà chính nhà sản xuất sẽ tự kiểm tra chất lượng từng mẫu nón và đóng dấu DOT khi mẫu nón đó đạt chuẩn FMVSS No.218

    National Highway Safety Administration sẽ kiểm tra bằng cách chọn ngẫu nhiên 1 chiếc nón và đưa tới phòng thí nghiệm để kiểm tra độc lập. Nếu phát hiện ra các mẫu nón vi phạm tiêu chuẩn, nhà sản xuất có thể bị phạt tới 5.000$ cho mỗi chiếc nón.

    So sanh cac chuan non bao hiem DOT ECE Snell

    Một mẫu nón đạt cùng lúc chuẩn D.O.T và ECE

    Vậy nội dung chi tiết của chuẩn chất lượng FMVSS No.218 gồm những gì?

    FMVSS No.218 được thiết lập cho nón bảo hiểm dùng cho giao thông đường bộ, theo ba tiêu chí chính:

    - Khả năng làm giảm tác động do va chạm (hay có thể hiểu là khả năng hấp thụ xung động)
    - Khả năng chống đâm xuyên
    - Khả năng cố định (quyết định bởi hệ thống quai đeo của nón)

    Tiêu chuẩn này cũng đòi hỏi tầm nhìn ngoại vi cho người sử dụng của không được nhỏ hơn 105° kể từ điểm chính giữa của nón. Và những nút đinh tán, đinh ốc trên nón ko đc ăn sâu quá 5mm vào bề mặt nón.

    Tương ứng với 3 tiêu chí trên, mỗi chiếc nón được test bằng cách cho thả rơi từ 1 độ cao nhất định xuống bề mặt 1 chiếc đe hình cầu nhẵn. Sau đó cho va chạm với 1 vật nhọn rơi cũng từ 1 độ cao nhất định xuống vỏ nón để kiểm tra khả năng chống đâm xuyên. Còn để test khả năng của dây đeo, thì quai đeo của nón sẽ được kéo căng với lực kéo tăng dần: 22,7kg trong 30s đầu, tiếp đó tăng lên 136kg trong vòng 120s tiếp theo

    Theo một số quy định mới thì khi một chiếc nón đạt chuẩn FMVS No218, nó sẽ phải được dán tem DOT trên nón. Và tuân thủ theo đúng thứ tự sau:

    Chữ “DOT” bên dưới tên nhãn hiệu
    Dòng “FMVSS 218” căn giữa bên dưới dòng DOT
    Cuối cùng là chữ “Certified” bên dưới dòng “FMVSS 218”

    Xin lưu ý rằng chuẩn D.O.T FMVS No.218 và các chuẩn khác (ECE, Snell) không mâu thuẫn và loại trừ lẫn nhau. Do đó 1 chiếc nón có thể đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khác nhau.

    Tiêu chuẩn ECE 22.05 Helmet Standard là gì?

    ECE là viết tắt của ““Economic Commission for Europe” (Ủy ban kinh tế Châu Âu) được thành lập theo thỏa thuận của Liên Hợp Quốc năm 1958. Mục 22.05 liên quan tới các quy định về tiêu chuẩn cho việc kiểm định sản phẩm.

    Các tiêu chuẩn của ECE được áp dụng tại 47 quốc gia, và có nhiều điểm tương đồng với chuẩn của DOT. Ví dụ: tầm nhìn ngoại vi tối thiểu phải là 105° tính từ từ đường giữa của mũ bảo hiểm, hoặc 1 số tiêu chuẩn về nhãn mác.

    Thử nghiệm về khả năng hấp thụ xung động được thực hiện khá giống với kiểm định của DOT, tức là cũng thả từ độ cao cố định xuống một chiếc đe thép với một máy đo được lắp bên trong nón để đo xung động còn lại bị truyền vào trong.

    Hệ thống quai đeo, khác một chút, lại được kiểm tra bằng cách gắn một khối lượng ~10kg vào quai (dây nối ko quá 35mm), sau đó thả từ độ cao 75m. Điểm nối được thay đổi và test lại nhiều lần. Bản thân vật liệu làm dây đeo cũng được test khả năng chịu mài mòn và khả năng tháo nhanh khi cần

    Có một số chi tiết khác nhau giữa chuẩn của DOT và ECE. Ví dụ: trong các thí nghiệm của ECE, bề mặt của nón được test khả năng chống mài mòn và khả năng trượt của bề mặt nón, bằng cách cho trượt trên bề mặt thí nghiệm, nhằm kiểm tra lực xoắn mà nón có thể tạo ra cho cổ và đầu của người đội trong trường hợp ma sát.

    Trong các quy chuẩn của ECE, độ dài của các loại đinh tán trong nón ko đc quá 2mm.

    Một thử nghiệm khác để đánh giá độ cứng của vỏ mũ bảo hiểm được thực hiện bằng cách đo sự biến dạng của vỏ mũ bảo hiểm khi chịu lực tải tăng dần cho tới khi đạt tới 630 Newton (141,6 lb)

    Ngoài ra, tiêu chuẩn ECE 22.06 cũng bao gồm các chi tiết liên quan tới kính của nón (với các mẫu nón có đi kèm kính) trong khi đó D.O.T đưa ra yêu cầu riêng cho dành cho kính và các phụ kiện bảo hộ cho mắt trong tiêu chuẩn có tên VESC 8 (Vehicle Equipment Safety Commission). ECE thì không có các bài test về khả năng chống đâm xuyên của nón.

    Không thông qua một bên thứ 3 để kiểm định nón như DOT, ECE yêu cầu có sản phẩm mẫu trước khi quy trình sản xuất hàng loạt bắt đầu, số lượng mẫu có thể lên tới 50 chiếc. Phòng kiểm định là một phòng thí nghiệm được chỉ định bởi chính phủ và tuân theo các tiêu chuẩn của ECE do LHQ thống nhất.

    Tiêu chuẩn Snell (Snell Memorial Foundation M2010):

    So sanh cac chuan non bao hiem DOT ECE Snell - 2

    Snell Memorial Foundation là một tổ chức phi lợi nhuận tư nhân được thành lập vào năm 1957 dành cho các loại nón bảo hiểm với mức an toàn cao.

    Snell vượt xa các tiêu chuẩn của chính phủ và sẵn sàng hỗ trợ các nhà sản xuất bằng cách cung cấp các phương pháp kiểm định chuyên sâu. Các nhà sản xuất muốn có chứng nhận này có thể tham gia các bài test tiêu chuẩn của tổ chức và sẽ được chứng nhận theo tiêu chuẩn (hiện tại là chuẩn M2010) và nhà sản xuất có thể gắn tem Snell Certified.

    Một khi đã được cấp chứng nhận, sản phẩm sẽ không được có bất kì thay đổi nào trong quá trình sản xuất. Snell vẫn sẽ tiếp tục kiểm tra ngẫu nhiên cho các sản phẩm được bán ra. Nếu có bất kì vi phạm nào, sản phẩm sẽ bị thu hồi chứng nhận.

    Các thử nghiệm của Snell Foundation đánh giá từng chiếc nón bảo hiểm trên 4 tiêu chí/thông số kĩ thuật trong nhiều điều kiện khác nhau. Tuy nhiên cũng có điểm chung so với DOT và ECE, ví dụ như tầm nhìn ngoại vi tối thiểu 105 độ tính từ điểm giữa của nón.

    Thử nghiệm hấp thụ tác động được thực hiện trong điều kiện tương tự như ECE và DOT, cũng là bài test thả rơi tự do từ độ cao cố định với một máy đo gắn trong mũ bảo hiểm để đo lực tác động chuyển vào bên trong chiếc nón.

    Tuy nhiên bài kiểm tra này sẽ được thực hiện theo năm mức độ khác nhau. Tốc độ cao nhất cho phép là 300G.

    Khả năng bảo vệ chống đâm xuyên của nón được kiểm tra bằng cách thả một đầu nhọn trọng lượng ~3kg từ độ cao 3m. Nón sẽ được coi là không đạt chuẩn nếu vật nhọn đó đâm xuyên vỏ nón và tiếp xúc với lớp bên trong.

    Nón bảo hiểm fullface thì được kiểm tra khả năng của phần cằm bằng cách gắn phần cằm lên 1 thanh đỡ, và thả vật nặng ~5kg lên từ độ cao cố định và đo độ biến dạng. Độ biến dạng lên tới 60mm được cho là không an toàn vì có khả năng gây thương tích cho người dùng.

    Tính ổn định của nón được đo bằng cách sử dụng trọng lượng 4kg gắn vào cạnh phía sau của nón ở một góc 135 độ. Ở góc này, lực tác động xảy ra sẽ khiến nón có xu hướng bật ra khỏi đầu.

    Hệ thống quai đeo được kiểm tra bằng cách kéo thẳng & căng quai nón với trọng lượng 23kg trong vòng 1 phút. Sau đó cài khóa nón và tiếp tục test bằng trọng lượng 38kg. Nếu bị đứt hoặc giãn quá 30mm, sản phẩm cũng được coi là không đạt yêu cầu.

    Các tấm kính của nón được test bằng cách bắn 3 viên đạn chì vào 3 điểm bất kì trên kính với tốc độ khoảng 500 kph. Bất kì vết lõm nào do 3 viên đạn trên gây ra đều không được quá 2.5mm

    Snell cũng đưa ra bài test về khả năng kháng lửa, tuy nhiên chỉ dành cho các mẫu nón trên đường đua.

    Tiêu chuẩn Snell được đánh giá và gắn mã tương ứng như sau:

    M=motorcycle
    SA=special application
    SAH=special application, frontal head restraint system
    K=karting
    CMR=children’s motorsports restricted
    CMS=children’s motorsports standard

    (Tham khảo từ Web Biker - Dịch và tổng hợp bổ sung: WildAdventures.vn)
    2banh
    2banh.vn