Gò Công là 1 địa phận thuộc tỉnh Tiền Giang, mình hay gọi là Gò Công Đông và Gò Công Tây. (Có cả tx Gò Công nữa nhé). Hôm nay mình đi là mình đi Gò Công Đông, nơi có mặt giáp với biển. Mà giáp với biển thì hiểu rồi, sẽ có hải sản, có view cho mình nhìn ngắm, rất đáng để chờ đợi. Ngày trước để đi Gò Công Đông, thì mình phải qua phà Mỹ Lợi. Nhưng mà khoảng từ năm 2015-2016 đến nay, thì cầu Mỹ Lợi đã được xây để thay thế cho phà cũ. Đi rất là thuận tiện. Từ Sài Gòn mà xuống Gò Công thì mất khoảng 60 đến 70 cây số, nó thích hợp cho 1 chuyến du lịch trong ngày, dạng như đổi gió vậy đó. Gò Công xưa phải nói là trù phú. Đi Quốc Lộ 50 qua khỏi Cần Giuộc, khi còn cách thị xã khoảng 2km, mình tham quan địa điểm đầu tiên là Lăng Hoàng Gia Lăng Hoàng Gia là nơi yên nghỉ của những người quá cố thuộc dòng họ Phạm Đăng nổi tiếng ở Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang, Ông Phạm Đăng Khoa là người khai hoang lập nghiệp ở xứ này. Phạm Đăng Hưng là hậu duệ đời thứ tư. Vì là ông ngoại vua Tự Đức, cha của Hoàng Thái Hậu Từ Dụ, tước Đức Quốc Công, nên sau khi Phạm Đăng Hưng mất (1825), triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây nhà thờ và lăng mộ dòng họ Phạm Đăng đúng theo kiến trúc dành cho lăng tẩm vua quan lúc bấy giờ, và được người đời gọi là Lăng Hoàng Gia. Vào đến thị xã thì mình sẽ đi đến Dinh Đốc Phủ Hải, một nơi đẹp đúng với chất Gò Công xưa. Kiến trúc kết hợp hai nền văn hóa Đông và Tây rất tinh tế. Theo nhiều tư liệu thì ngôi nhà gắn liền với cuộc đời của bà Trần Thị Sanh, vợ của anh hùng dân tộc Trương Định. Gia đình bà Sanh là một gia đình giàu có bậc nhất tại Gò Công đã có những cống hiến trong công cuộc mở cõi, giữ đất phương Nam. Ngôi nhà còn ấn tưởng bởi các đề tài trên các liễn luôn thể hiện những nội dung về tình cảm gia đình, sự hiếu thảo, lòng nhân nghĩa... Có thể thấy, chủ nhân của ngôi nhà là người trọng nghĩa tình và luôn muốn nhắc nhở con cháu phải noi theo. Tham quan 2 địa điểm xong, mình tiếp tục chạy thêm 15km để đến biển Tân Thành, nơi đến chủ yếu của chuyến đi hôm nay. Biển Tân Thành nổi tiếng là về nuôi nghêu, đi vào thời điểm nước thấp, bạn có thể xuống để mò nghêu, 1 trải nghiệm thú vị. Điểm nhấn của biển Tân Thành là cây cầu dài hướng ra biển, lại 1 nơi sống ảo nữa cho mọi người. Sau khi dạo chơi ở biển thì mình ghé vào ăn tại 1 quán chòi có tên là Mười Đạt, đây là quán mình được 1 người dân địa phương chỉ cho, vào thì 2 người mình thưởng thức 1 cái lẩu cá ngát và 1 dĩa tôm, hết 275k, và phải nói là bao no luôn á, cái lẩu quá trời bự. Sau đó thì mình nghỉ trưa 1 tí để về lại Sài Gòn. Mình chạy dọc biển 1 tí là thấy nhà hàng Bình An, vào đó thì có cho thuê võng với giá thuê là 10k 1 võng, không tính thời gian. Nằm võng và hướng ra biển thì còn gì tuyệt vời bằng 1 trải nghiệm mà mình thấy rất thú vị và thoải mái sau những ngày làm việc mệt mỏi.