Ở thị trường xe máy Việt, có rất nhiều mẫu xe bị người tiêu dùng 'ghẻ lạnh' và xa lánh đến mức chúng ta còn không thể nhớ được tên gọi của chúng hay thậm chí không biết chúng đến từ hãng xe nào. Hoàn toàn không phải tự nhiên mà chúng bị người tiêu dùng ngó lơ mà thật ra có tiềm ẩn rất nhiều lý do khách quan, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số bán hàng mà ít người để ý đến! Lý do gì khiến một mẫu xe máy không được ưa chuộng tại Việt Nam? Tên tuổi của hãng xe sẽ là mắt xích quan trọng để quyết định doanh số sản phẩm của họ Không khó để anh em nhận ra Honda cùng với Yamaha chính là hai hãng xe đang chi phối thị trường xe máy Việt. Khi sản phẩm của họ được người tiêu dùng cực kì quan tâm nhờ vào quá trình xây dựng tên tuổi uy tín trong suốt hàng chục năm ròng rã, vì Honda và Yamaha đã xuất hiện ở nước ta từ những ngày đầu tiên Việt Nam được bãi bỏ lệnh cấm vận (giai đoạn thập niên 1990). Vậy nên Honda và Yamaha mới thành công trong việc khắc sâu tên thương hiệu của mình vào tiềm thức người tiêu dùng phổ thông trên cả nước, từ thanh thiếu niên cho tới các bậc cao niên lớn tuổi. Mặc dù có giai đoạn tên tuổi những mẫu xe máy của Honda và Yamaha bị 'giảm nhiệt' bởi người tiêu dùng do sự tăng trưởng đột biến của Suzuki, sức hút thời thượng của Piaggio hay mức giá phải chăng của SYM. Nhưng chỉ ngay sau đó Honda và Yamaha sẽ có những động thái vực dậy tên tuổi của họ bằng các hoạt động bên lề. Giống như hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho Việt Nam, phát triển các phong trào giáo dục, tạo ra nhiều hoạt động xã hội để tên tuổi của họ phủ sóng khắp mọi nơi. Giúp người tiêu dùng đại chúng dễ dàng biết đến thương hiệu của họ, từ đó từ từ tìm đến những dòng xe mà Honda và Yamaha phân phối. Sự lớn mạnh của họ đã khiến cho các hãng xe khác chật vật trong việc tiếp cận với đại chúng. Từ đó những cái tên như Suzuki, Piaggio, SYM hay SYM phải xây dựng và tìm kiếm phân khúc khách hàng riêng, tránh cạnh tranh trực tiếp để đảm bảo doanh số bán hàng ổn định. Một mẫu xe có thể bị 'ghẻ lạnh' bởi hoạt động truyền thông kém hiệu quả Để tạo nên tiếng vang cho một mẫu xe, đủ lớn và đủ mạnh để người tiêu dùng chú ý đến thì sự kiện ra mắt mẫu xe ấy thật ra cũng chỉ là một trong những bước ban đầu. Trong số các bước ấy, sẽ có một công đoạn bất hủ đó chính là tìm kiếm người nổi tiếng để tạo nên sức hút cho một mẫu xe và lấy người nổi tiếng này làm đại sứ thương hiệu. Để mẫu xe ấy dễ dàng được công chúng biết tới qua tên tuổi của người nổi tiếng. Nếu thiếu công đoạn này thì quá trình xây dựng hình ảnh của một mẫu xe sẽ dễ gặp gian nan vì công chúng rất dễ bỏ qua mẫu xe này sau khi tham khảo qua báo chí, hình ảnh hoặc tài liệu. Bởi vì một ngày ở xã hội hiện đại chúng ta tiếp thu rất nhiều thông tin, trong số các thông tin ấy thì não bộ sẽ tự động lọc ra các thông tin ấn tượng để lưu giữ và còn lại các thông tin khác dĩ nhiên sẽ bị 'lạc trôi'. Hoạt động truyền thông của một mẫu xe suy cho cùng vẫn là một chiến dịch lâu dài bền bỉ, cần sự phân tích thị trường của hãng xe trước và sau khi ra mắt sản phẩm. Ngoại trừ khiến sản phẩm tâm đắc của mình phủ sóng ở khắp mọi nơi, thì các chương trình khuyến mãi cũng là một yếu tố quan trọng để giúp mẫu xe thu hút sự chú ý của người mua. Tạo cho người mua cảm giác rằng mình đang mua được một chiếc xe 'hời' ở giá bán, ở quà tặng kèm khi mua xe. Hoạt động truyền thông kém hiệu quả là một điều cực kì tai hại đối với một mẫu xe khi hình ảnh và những thứ đặc biệt mà nó đang sở hữu không được người tiêu dùng chú ý. Lúc ấy mẫu xe này sẽ dễ dàng bị lu mờ bởi các mẫu xe khác trong cùng tầm giá. Hệ thống phân phối không làm việc hiệu quả Hiếm có hãng xe nào ở Việt Nam bán trực tiếp sản phẩm của mình, mà thay vào đó họ sẽ thông qua hệ thống phân phối làm trung gian. Ngoài độ chất lượng ra, khi mua sắm một sản phẩm có giá lên tới hàng chục triệu đồng tới ngoài 100 triệu đồng như xe máy thì ai cũng sẽ quan tâm đến chế độ hậu mãi và chăm sóc khách hàng. Có làm thỏa mãn được số đông người tiêu dùng hay không, hệ thống phân phối sẽ xử lý ra sao nếu quá trình vận hành của xe máy gặp sự cố. Hệ thống phân phối cũng là nơi cung cấp phụ tùng cho hãng xe, để khách hàng có thể tìm kiếm linh kiện khi hư hỏng cần phải sửa chữa thay thế. Vì lẽ đó nên nếu hệ thống phân phối không thể thể tiếp cận được khách hàng, hoặc không thể cung ứng nguồn phụ tùng đầy đủ cho một mẫu xe thì dĩ nhiên mẫu xe ấy cũng sẽ không thể bán chạy. Mẫu xe bị 'xa lánh' vì tụt hậu so với thế hệ tiền nhiệm Đối với những mẫu xe sở hữu lịch sử phát triển dữ dội, được ưa chuộng và trở thành mẫu xe 'quốc dân' trong tâm trí người tiêu dùng thì dĩ nhiên thế hệ tiếp theo sẽ được đại chúng cực kì trông chờ. Để biết được các điểm vượt trội so với thế hệ tiền nhiệm. Nếu thế hệ tiếp sau không tạo nên được sự đột phá về mặt thiết kế và trang bị, không phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt thì dĩ nhiên doanh số sẽ bị tụt giảm thê thảm. Do mẫu xe ấy đã khiến người tiêu dùng thất vọng vì chờ đợi quá lâu. Ba ví dụ điển hình cho trường hợp này chính là Future II, Super Dream 110 hay Air Blade 110 2011. Giá bán là một rào cản giữa xe máy và người tiêu dùng MSX 125, CB150R Neo Sport Café, Monkey 125 là những mẫu xe bị ghẻ lạnh đến mức phải bán dưới mức giá đề xuất cả chục triệu đồng. Nhưng vẫn bị Honda Việt Nam dừng phân phối bởi vì doanh số bán quá thấp. Chúng bị người tiêu dùng ghẻ lạnh không phải vì trang bị không tốt hay kiểu dáng không đẹp mà bởi vì mức giá bán quá cao, không phù hợp với số đông kinh tế người tiêu dùng Việt. Với tầm giá từ 60 triệu đồng đến ngoài 100 triệu đồng của chúng, đa số mọi người đều nghiêng về những mẫu xe tay ga sang trọng có thể phục vụ đa dạng mục đích hơn là các dòng xe côn tay.