Không ít người nghĩ rằng, độ xe đơn thuần là gia cố để máy mạnh hơn nhằm mục đích… đua xe. Thực ra, khái niệm “độ xe” không chỉ có vậy, mà chủ yếu mang ý nghĩa tạo một phong cách rất riêng, đầy cá tính cho chiếc xe độ. Càng độc đáo, càng giá trị Các hãng sản xuất xe luôn cho ra đời những “mẻ” sản phẩm có hình dáng và sức mạnh y hệt nhau. Điều này khiến một số bạn trẻ có cá tính mạnh cảm thấy không thật hài lòng. Họ tìm cách biến chiếc xe của mình trở thành một sản phẩm độc đáo, không “đụng hàng”. Các “lò độ xe” sẵn sàng đáp ứng nhu cầu này. Từ hàng chục năm trước, tại TPHCM đã xuất hiện nhiều “lò độ xe”. Trải qua mấy thế hệ, trình độ tay nghề của những người “thợ độ” không ngừng được nâng cao. Họ không chỉ có khả năng biến một “con ngựa già” èo uột, yếu ớt trở nên mạnh mẽ phi thường, mà còn có thể biến những chiếc xe bình thường lẫn lộn trong hàng chục, hàng trăm nghìn chiếc xe đang chạy trên đường trở thành “xế độc”, hoàn toàn khác biệt so với “đám đông”, từ dáng hình cho đến tiếng nổ và sức mạnh của động cơ. Tài năng của “thợ độ” Sài Gòn thậm chí còn được những tay chơi xe ở nước ngoài biết đến. Vì thế mà cách đây ít lâu, một Việt kiều Pháp đã gửi chiếc xe máy đua MBK Rock Racing (MBK RR) nổi tiếng cách nay 30 năm để Thạch Lân - một “thợ độ” trứ danh - phục chế và nâng cấp. Khi về Pháp, chiếc xe trở thành một niềm tự hào của chủ nhân. Theo giải thích của một số dân trong nghề, “độ xe” thực ra là thay đổi các chi tiết của xe cho khác với thiết kế ban đầu, tạo sự khác lạ cho chiếc xe độ. Có rất nhiều phong cách "độ xe", tuy nhiên 2 phong cách độ phổ biến nhất là "độ dàn ngoài" và "độ máy". Trong đó, "độ dàn ngoài" là thay đổi những chi tiết của phần thân vỏ, tạo cho chiếc xe máy có ngoại hình khác lạ, bắt mắt hơn. "Độ dàn ngoài" được các tay chơi chuộng hơn như thay đổi màu xe, trang trí hoặc thay đổi tem xe. Một trong những phong cách được các hiệu độ xe sử dụng trong trang trí xe máy chính là nghệ thuật Aribrushing, sử dụng bút phun sơn hoặc mực để vẽ những bức tranh lên thân xe. Còn loại phụ tùng "độ" được sử dụng nhiều nhất là đĩa phanh với bán kính lớn và phuộc sau thể thao, cứng và dài hơn giảm xóc thông thường, đẩy phần đuôi xe lên cao hơn. Ngoài ra, chủ xe có thể trang bị thêm hệ thống đèn pha xenon và bộ đèn gầm nổi bật khi đi ban đêm, các loại pô thể thao tạo tiếng nổ giòn giã, lạ tai. "Độ xe" có thể coi là một thứ nghệ thuật, càng độc đáo càng giá trị. Mà độc đáo đến mức nào còn tùy thuộc vào ý tưởng của chủ nhân và tài nghệ của người thợ. Chủ nhân không chỉ bỏ một số tiền lớn, mà đôi khi còn mất khá nhiều thời gian để tìm ý tưởng và kiếm cho được những phụ kiện “khác người”. Vì thế, có khá nhiều chiếc xe mới nhìn qua, cứ ngỡ là “hàng độc” tậu ở nước ngoài về. Nhưng nhìn kỹ thì mới nhận ra là “người quen” - là những chiếc Honda Dream, Cub cánh én xưa cũ, hay Air blade, Nouvo, Exciter… xuất xưởng cách đây không lâu. TIỀN "ĐỘ" ĐẮT HƠN GIÁ XE Thúy Hiền, một cô gái tự nhận là “tín đồ xe độ” ngụ tại quận 2, TPHCM, cho biết thêm: Thật ra có tới 3 phong cách "độ xe", bao gồm xe độ đại gia, xe độ nghệ sĩ và xe độ… phó thường dân. Trong đó, “xe độ đại gia” thường là những chiếc xe cổ có giá trị rất lớn, được làm lại theo kiểu “tân cổ giao duyên”, đảm bảo hình dáng nguyên thủy nhưng lại mang phong cách đầy cá tính, hợp với chủ nhân. Có thể đó là những chiếc Vespa cổ thập niên 1950, những chiếc Harley Davidson trị giá bạc tỷ hay những chiếc Ducati được mệnh danh là “quái thú”… "Xe độ nghệ sĩ" là một trường phái, chỉ cái tên là đủ nói lên đặc tính của dòng xe độ này: Bay bổng, lãng mạn, cá tính nhưng không quá phô trương về sức mạnh. Ví dụ như chiếc xe của Trác Ngọc Lĩnh, một tay guitar rock ở TPHCM, trông đồ sộ, nhưng phần sau được tháo ra và thay vào đó là một khóa Sol mềm mại. Cũng có một số ít "độ xe" thành cặp, thông thường là những cặp anh em hoặc bạn bè thân thiết. Ở TPHCM vừa xuất hiện cặp xe máy giống nhau đến từng con ốc, được gọi là “xe độ sinh đôi”. Giới "độ xe" cho biết, để tạo được những cặp xe như vậy, chủ nhân phải đầu tư công sức không nhỏ, số tiền phải bỏ ra lên tới cả trăm triệu đồng mỗi chiếc. "Độ xe" thực sự là một thú chơi không dành cho những người ít tiền, bởi chi phí để độ một chiếc xe có khi gấp 2-3 lần giá trị ban đầu của chiếc xe. Tuy nhiên, phổ biến nhất là trường phái "xe độ… phó thường dân". Mặc dù với những chủ nhân, chiếc xe chỉ là phương tiện đi lại để làm ăn, nhưng một số người vẫn kỳ công trau chuốt để đạt tới một hình thức “khả dĩ”, đủ thể hiện cá tính. Các “tín đồ” trong giới "độ xe" cho biết, Exciter là loại xe có trang bị nhiều “đồ chơi” nhất. Còn một thợ sửa xe tiết lộ: “Đồ chơi nhập khẩu cho các loại xe đua thì mắc khỏi chê, một cặp phuộc giá 1.000 - 2.000 USD, bộ thắng tay cũng ngốn hơn 10 triệu đồng, IC giá vài chục triệu”. Do đó, nhìn vào những chiếc “xế độ” là có thể biết được “đẳng cấp” của người ngồi trên xe đó ra sao.