Năm suy thoái kinh tế, các cửa hàng xe máy vốn đã ế trong năm, sau dịp tết nguyên đán thì lại càng đìu hiu vắng khách hơn. Đây có thể là hình ảnh dự báo một năm 2014 ế ẩm, thua lỗ của thị trường xe máy Việt. Mong một người “mở hàng” Khi xe máy ở thời hoàng kim, theo lệ thường của thị trường, sau những ngày giáp Tết “bội thu”, loạn giá, tăng giá, chuyện các cửa hàng bán xe máy vắng vẻ hơn sau dịp Tết Nguyên đán cũng là chuyện khiến không mấy ai ngạc nhiên. Khổ nỗi, thị trường xe máy Việt Nam vừa trải qua một năm ế ẩm chưa từng có. Vào mùa mua sắm cuối năm mà còn vắng khách huống chi là những ngày này. Đa phần các cửa hàng xe máy đều vắng bóng khách hàng trong những ngày đầu năm này Dạo qua một loạt tuyến phố, cửa hàng kinh doanh xe máy ở Hà Nội mới thấy, đa phần đều vắng bóng khách hàng. “Cửa hàng mình “khai xuân” từ hôm mùng 6. Nhưng 2-3 hôm nay cứ sáng mở cửa ra, chiều lại đóng vào mà chưa có một khách nào vào hỏi chứ chưa nói là mua xe. Mong có một người khách mua xe mở hàng thôi mà còn chưa thấy đâu” – nhân viên bán hàng của cửa hàng xe máy Yamaha trên đường Tôn Đức Thắng, Hà Nội kể. Anh Đạt – cửa hàng xe máy Honda (nằm trên địa bàn huyện Thanh Trì) cho biết: “Biết sau Tết cũng chưa có người mua xe, nên sếp tôi chủ động cho nhân viên ngoại tỉnh nghỉ dài thêm đến mùng 10. Chỉ có 2 nhân viên có nhà gần ngay cửa hàng thì đi sớm mở cửa lấy ngày. Nhưng mà 2 người cũng không có việc gì làm vì không có ma nào hỏi”. Nhiều cửa hàng "khai xuân" sớm nhưng chưa có khách vào "mở hàng" Các cửa hàng xe máy chính hãng đã vắng, các doanh nghiệp kinh doanh xe máy nhập khẩu còn đìu hiu hơn. Đi dọc phố Huế, Bà Triệu – những con phố tập trung nhiều cửa hàng bán xe máy nhập mới thấy được cảnh “chợ chiều” của những ngày đầu năm. “Xe không bán nổi một chiếc, ngồi ở cửa hàng cũng chỉ thấy thêm cám cảnh, anh em tôi đóng cửa đi Lễ đầu xuân. Thôi thì giờ cũng chỉ biết cầu mong cho năm nay khởi sắc hơn. Chứ cứ như năm ngoái thì có khi sập tiệm” – một nhân viên bán hàng của cửa hàng xe máy L.H cho hay. Cảnh "chợ chiều" của các cửa hàng kinh doanh xe máy nhập khẩu trên phố Huế (Hà Nội) Cảnh vắng khách tại các cửa hàng xe máy thời gian gần đây đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Và dường như, nó báo hiệu thêm một năm thất bát của những người kinh doanh xe máy tại Việt Nam. Ế ẩm, nhiều đại lý có nguy cơ đóng cửa Theo nhận định, thị trường 2014 cũng chỉ đạt mức 2,8 triệu xe tương đương với 2013. Nguyên nhân được cho là kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu. Năm 2014 các chỉ số kinh tế vĩ mô chưa có gì sáng sủa, nên chắc chắn thị trường xe máy sẽ vẫn khó khăn. Các Hãng xe máy gặp khó đương nhiên là các đại lý, cửa hàng cũng theo đó mà đi gần hơn đến nguy cơ đóng cửa. Nếu cứ vắng khách thế này, nhiều đại lý xe máy có nguy cơ đóng cửa Theo tính toán của chủ đại lý xe máy Yamaha V.N (Hà Nội), trung bình chi phí thuê mặt bằng của một đại lý tầm trung khoảng 50-70 triệu đồng, đại lý cỡ lớn khoảng 90-150 triệu đồng/tháng. Tiền lương nhân viên cũng ngót nghét 50-100 triệu đồng, thậm chí còn hơn tùy vào quy mô, số lượng. Ngoài ra còn khá nhiều những khoản thuế, phí khác… Chỉ tính sơ như vậy mỗi đại lý cấp 1 của Yamaha, Honda hay Suzuki tối thiểu cần bán khoảng 100-150 xe/tháng, nếu là đại lý lớn phải có doanh số bán hàng 300-500 xe, đồng thời phải kinh doanh tốt cả lĩnh vực bảo hành, bảo dưỡng… mới có thể không lỗ vốn. Quá nhiều chi phí đổ lên đầu đại lý trong khi xe không bán được Tuy nhiên, “cảnh buồn” của các đại lý trong những ngày đầu năm này báo hiệu thêm một năm ế ẩm của thị trường xe máy. Đa số các cửa hàng có doanh số bán hằng tháng tụt quá xa so với điều kiện “cần và đủ” để duy trì doanh nghiệp. Chính vì lẽ đó, nhiều cửa hàng, đại lý xe máy đã phải chuyển nhượng thậm chí đóng cửa. Nhiều đơn vị không thể cầm cự nổi nên chủ đại lý đành rao bán với mức giá 3-5 tỷ đồng. Trong khi đó, vài năm trước việc mở một đại lý xe máy ít nhất cũng tốn cả chục tỷ đồng. Cảnh vắng vẻ đầu năm dự báo thị trường xe máy sẽ có thêm một năm thất bát Giới kinh doanh dự báo, với tình hình buôn bán như hiện nay, năm 2014 sẽ có thêm nhiều những đại lý, cửa hàng phải ngừng hoạt động.