1. Biker cấp 3

    Bắt bệnh bình xăng con trên Vespa cổ

    Thảo luận trong 'Piaggio' bắt đầu bởi , 28 Tháng tám 2013.

    Xe tốn xăng, hay chết máy giữa chừng, khó đạp nổ, ga không bốc, khói nhiều... là lúc bạn cần kiểm tra và bảo dưỡng lại bình xăng con.
    Bat benh binh xang con tren Vespa co
    Bình xăng con trên xe Vespa

    Bình xăng con (chế hòa khí) là bộ phận điều phối tỷ lệ ba thành phần nhiên liệu là xăng, nhớt, gió cho buồng đốt hoạt động hiệu quả. Việc bất cứ một bộ phận nào trong chế hòa khí hoạt động không tốt sẽ dẫn tới sự sai lệch tỷ lệ nhiên liệu, nhẹ thì xe không nổ máy, nặng thì hỏng bu-gi, nặng nữa có thể làm hỏng cả bộ hơi (pit-tông, xi-lanh). Do đó, bình xăng con luôn phải được giữ sạch và kín. Các bệnh liên quan đến chế hòa khí cũng như cách bảo dưỡng đúng kỹ thuật sẽ được đề cập trong bài viết này.

    Cấu tạo bình xăng con Vespa cổ

    Cấu tạo cơ bản chế hòa khí ở các đời Vespa cổ thông dụng gồm các bộ phận chính như: lưới lọc gió (có tác dụng lọc không khí cung cấp cho buồng đốt), lưỡi ga, zích-lơ (tác dụng điều chế lượng xăng xuống), kim xăng, phao xăng, khóa không khí, lưới lọc và các bộ phận phụ trợ khác.

    Các triệu chứng của việc cần bảo dưỡng bình xăng con bao gồm: Chảy xăng ở phía sau lốc máy hoặc ngay chính tại vòi từ bình xăng xuống, xe bị yếu hơi, tăng tốc kém và ì ở khoảng ¾ ga cuối, xả nhiều khói (dù tỷ lệ xăng/nhớt đúng), tắt máy bất ngờ hoặc khó đạp nổ.

    Tất nhiên trước khi quyết định tháo bình xăng con để kiểm tra và bảo dưỡng, bạn cần kiểm tra lại phần điện, bu-gi xem lửa có đủ mạnh hay không. Thông thường xe gặp sự cố (trừ những sự cố cơ khí phần trong máy) do 2 nguyên nhân chính là xăng vấn đề hoặc điện trục trặc. Do đó, điều cần làm mỗi khi xe hỏng là kiểm tra kỹ 2 thành phần này. Nếu điện tốt, đánh lửa khỏe, đúng tầm thì nguyên nhân đa phần nằm ở các bộ phận cung cấp xăng.

    Bat benh binh xang con tren Vespa co - 2
    Các ốc cần tháo

    Bảo dưỡng bình xăng con

    Với các triệu chứng đã trêu ở trên, sau khi kiểm tra tổng thể nếu phần điện vẫn tốt thì tiến hành “mổ xẻ” bình xăng con để sửa chữa cũng như bảo dưỡng. Quy trình bảo dưỡng bình xăng con của Vespa cổ bao gồm các bước sau đây:

    Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng và dụng cụ cần thiết

    Dụng cụ để mở bình xăng con khá đơn giản, bao gồm tuốc-nơ-vít 2 cạnh và 4 cạnh (tùy vào từng đời xe và bu-lông “zin” hay “lô”), cờ lê hoặc tuýp (hoặc chữ T) 10-11-13, một số đời xe cần thêm khóa mở tán âm số 11. Các vật dụng khác bao gồm: dzoăng cao cu hoặc a-mi-ăng đế bình xăng, dzoăng cao khu viền giữ nắp bình xăng con, giẻ lau, dung dịch chùi rửa, nếu có điều kiện thì có thể thêm súng xịt hơi nén, keo dán nhiệt…

    Bước 2: Tiến hành tháo và kiểm tra bầu lọc gió

    Dựng xe bằng phẳng, khóa xăng (cần khóa xăng nằm ở bụng xe, phận dưới đầu yên trước) bằng cách vặn sang chữ C, nổ máy cho đến khi hết xăng và xe tắt máy. Mở nắp cốp bên phải của xe, nhìn thấy ngay bình xăng con nằm trên cùng phía sau ống cao su dẫn gió. Dùng tuốc-nơ-vít mở 2 bu-lông phía trên, chú ý mở nhẹ tránh làm “trượt ren”. Lúc lấy nắp bình xăng con lên bạn cần chú ý xung quanh viền nắp có dzoăng cao su, kiểm tra xem có bị nứt hay lão hóa, nếu bị các hiện tượng trên cần thay mới.

    Tiếp theo bạn tháo 2 bu-lông giữ bầu lọc gió, cẩn thận nhấc hẳn bầu lọc gió ra phía ngoài, bây giờ bạn có thể nhìn thấy toàn bộ bình xăng con. Bộ lọc gió cần phải sạch để đảm bảo đủ không khí cung cấp cho buồng đốt. Nếu xe có hiện tượng thiếu gió thừa xăng (quan sát màu sắc đầu bu-gi) thì cần kiểm tra xem lọc gió có bị bẩn hay không, thông thường trong điều kiện đường xá nhiều bụi như ở Việt Nam thì nên bảo dưỡng lọc gió khoảng 4-6 tháng một lần. Nếu bầu lọc bị bẩn, bạn nên dùng súng xịt hơi nén xịt sạch bụi sau đó dùng dung dịch chuyên dùng lau rửa sạch, kiểm tra lưới thép nhỏ quanh bầu lọc, nếu bị mủn hoặc thủng cần thay mới.

    Bước 3: Tháo rời từng bộ phận

    Sau đó là tháo phần thân của bình xăng con. Trước khi tháo phần thân bạn cần gỡ dây không khí ra (đẩy vào và gỡ khỏi mấu giữ), tháo ốc giữ ống dẫn xăng từ trên bình lớn vào chế hòa khí. Dùng tuýp 11 gỡ 2 bu-lông giữ phần thân ra, sau đó nhấc nhẹ nhàng cả cụm thân bình xăng con ra ngoài. Chú ý khi tháo bu-lông và nhấc bình xăng con lên bạn sẽ thấy tay biên và lỗ xuống của hỗn hợp nhiên liệu, cần lấy khăn sạch che kín lỗ và dán chặt băng keo khỏi tuột. Tuyệt đối không để bất cứ bu-lông, ê-cu hay vật gì (kể cả cát bụi) rơi vào lỗ vì có thể làm mòn hoặc hỏng tay biên.

    Bat benh binh xang con tren Vespa co - 3
    Vệ sinh màng lọc xăng

    Tiến hành tháo rời từng bộ phận chính của bình xăng con, trước tiên là nắp đậy bộ lọc xăng, gõ nhẹ để lấy lưới lọc ra, kiểm tra và làm sạch lưới lọc này, chú ý dzoăng cao su nếu hỏng thì cần phải thay mới. Tháo ốc giữ phao xăng và rút hẳn phần phao ra ngoài. Tháo 2 zích-lơ và cả lưỡi ga ra khỏi phần thân.

    Bước 4: Bảo dưỡng từng bộ phận

    Đầu tiên là kiểm tra phao xăng xem có bị nứt hay thủng chỗ nào không, nếu nứt nhỏ thì có thể dùng keo để gắn lại, lời khuyên là nên thay phao xăng mới. Cần đặc biệt chú ý tới kim xăng và mép khe cài kim xăng, bình thường mép khe vuông sắc nếu có dấu hiệu mòn ảnh hưởng tới vị trí kim xăng cần thay mới để đảm bảo kim xăng hoạt động tốt. Tương tự như thế, kim xăng cần ăn khớp với lỗ ở khe cài, nếu bị rơ cũng cần phải thay mới.

    Tiếp theo là phần kiểm tra và làm sạch 2 zích-lơ (ở các đời xe thông thường có 2 zích-lơ, một số loại là 3), dùng tuốc-nơ-vít tháo zích-lơ lớn và bé ra ngoài. Quan sát kỹ các lỗ trên thân, nếu bị bụi bẩn hay đóng cặn cần làm sạch bằng hơi khí nén, tránh việc dùng dây kim loại chọt vào lỗ gây xước. Hai zích-lơ này có nhiệm vụ điều tiết lượng xăng xuống buồng đốt, do đó nếu xe bạn bỗng dưng tốn xăng cần kiểm tra 2 zích-lơ này, nếu lỗ quá lớn cần tiến hành thay mới.

    Bat benh binh xang con tren Vespa co - 4
    Vị trí điều chỉnh phao xăng

    Sau khi kiểm tra và bảo dưỡng zích-lơ thì chuyển sang lưỡi ga. Tháo 2 bu-lông đồng thời giữ để lò xò bật ra từ từ, kéo lưỡi ga ra và xem xét chúng. Lưỡi ga tốt là có màu xám đậm và không bị mòn hay xước. Nếu bị hiện tượng trên cần thiết phải thay mới, lưỡi ga phải di chuyển dễ dàng từ mép này sang mép bên kia của lỗ hút.

    Bộ phận khóa air (không khí) cũng cần được làm sạch, tháo ốc giữ và rút hẳn khóa ra ngoài, nếu có chất bẩn đóng đầu khóa thì cần làm sạch bằng dung dịch chuyên dùng.

    Khi tiến hành lắp ráp, cần làm theo hướng ngược lại lúc mở, sử dụng dầu bôi trơn các bộ phận chuyển động, bu-lông hay ê-cu nào có khả năng bị trượt cũng cần phải thay mới, đặc biệt là các dzoăng cao su để đảm bảo độ kín nhất định cho bình xăng con. Một số chú ý khi siết các bu-lông và ê-cu cần lực siết vừa phải, tránh việc siết không đều làm sai lệch vị trí bình xăng con, lúc lắp vòi dẫn xăng cần kiểm tra xem xăng có bị rò rỉ hay không.

    Bat benh binh xang con tren Vespa co - 5
    Điều chỉnh giclo xăng

    Điều chỉnh gió và ga-răng-ti

    Sau khi hoàn thành quá trình bảo dưỡng bình xăng con, kiểm tra hệ thống điện hoạt động tốt là lúc bạn cần điều chỉnh lại tỷ lệ xăng-gió chuẩn để xe hoạt động tốt. Quy trình chỉnh ga-răng-ti và xăng gió như sau:

    Đạp nổ máy để một lúc cho máy nóng, đóng hết bu-lông gió về bên phải sau đó trả lại (mở ra) 1,5 vòng (bu-lông gió nằm ở dưới cùng của bình xăng con đoạn tiếp giáp với thân máy nhìn từ đằng sau xe). Tiến hành chỉnh nút ga-răng-ti để máy nổ nhỏ nhất mà không bị tắt, chạy thử, nếu ga lớn mà máy không bốc thì mở ốc gió thêm nửa vòng nữa, chạy thử vài km và kiểm tra bu-gi. Tình trạng màu sắc đầu bu-gi đã được Autocar Vietnam trình bày kỹ tại đây.

    Việc bảo dưỡng bình xăng con định kỳ cũng như chỉnh xăng-gió chuẩn giúp chiếc Vespa của bạn hoạt động được tốt hơn, côn, số vào dễ dàng, giúp tiết kiệm nhiên liệu và trả lại phần nào tiếng nổ giòn tan đặc trưng của những “chú ong” đến từ nước Ý này.

    ST: Dammexedo
    2banh
    2banh.vn