1. Biker cấp 4

    Tối 12-5, kết nối internet mới hết chậm

    Thảo luận trong 'Chuyện trò' bắt đầu bởi , 11 Tháng năm 2015.

    Dự kiến đến tối ngày 12-5, việc kết nối internet của Việt Nam đi quốc tế đến các dịch vụ như Facebook, Yahoo, Youtube... mới hết chậm do đó là thời điểm tuyến cáp quang biển chính kết nối Việt Nam đi quốc tế là AAG mới được sửa chữa xong.

    Toi 125 ket noi internet moi het cham
    Tối 12-5, kết nối internet mới hết chậm. Ảnh: Thu Huyền

    Như vậy, thời gian sửa chữa tuyến cáp này chậm hơn 2 ngày so với dự kiến ban đầu.

    Theo ông Lâm Quốc Cường, Giám đốc Công ty Viễn thông quốc tế (VNPT-I) – đơn vị quản lý điểm cập bờ của tuyến cáp quang biển AAG- cho hay, hiện nay đội tàu xử lý sự cố vẫn đang nỗ lực hoạt động tại khu vực cáp bị đứt. Tuy nhiên, do điều kiện liên quan tới kỹ thuật, thời tiết chưa cho phép, dự kiến việc xử lý này phải kéo dài thêm 2 ngày, đến 17h ngày 12-5 mới hàn xong mối nối cuối cùng và tuyến cáp mới hoạt động trở lại, thay vì ngày 10-5 như kế hoạch đặt ra ban đầu.

    Từ ngày 23-4 đến nay, việc kết nối internet đến các dịch vụ có máy chủ đặt tại nước ngoài như Facebook, Youtube, Yahoo... rất chậm do tuyến cáp quang biển chính Asia Gateway Pacific-AAG kết nối internet của Việt Nam ra quốc tế bị đứt.

    Thực tế cho thấy, đây là tuyến cáp quang biển liên tục bị đứt từ khi đi vào hoạt động vài năm nay. Và đây không phải là lần đầu tiên việc sửa chữa cáp quang biển muộn hơn so với dự kiến.

    Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2009, tuyến cáp AAG đã nhiều lần gặp sự cố (đứt, ngừng hoạt động, bảo trì bảo dưỡng) với tần suất trung bình mỗi năm vài lần. Thông thường tuyến cáp được sửa chữa mỗi khi gặp sự cố phải mất thời gian khoảng 2-3 tuần. Mặc dù các nhà cung cấp dịch vụ đều cho biết đã bổ sung lưu lượng kết nối internet dự phòng và thay thế, song tốc độ kết nối của người dùng đến các dịch vụ internet quốc tế như Facebook, Youtube, Yahoo... vẫn rất chậm so với bình thường.

    Thực tế đã có không ít ý kiến cho rằng mỗi năm người dùng internet ở Việt Nam phải chịu mấy tháng sử dụng dịch vụ trong tình trạng kết nối chậm do AAG gặp sự cố. Và có đến khoảng 70% người dùng internet Việt Nam bị ảnh hưởng vì tuyến cáp này. Tuy nhiên người sử dụng dịch vụ internet vẫn phải trả phí như bình thường, không được giảm giá hay nhận được lời xin lỗi của các nhà cung cấp dịch vụ internet.

    Trong khi đó, theo ý kiến của các luật sư, trong sử dụng dịch vụ viễn thông, khi các bên giao kết hợp đồng với nhau, ngoài việc phải tuân thủ theo qui định của Luật Viễn Thông thì còn phải tuân thủ theo qui định của Bộ Luật Dân Sự, bởi đây cũng là một giao dịch về cung ứng dịch vụ. Theo đó, bên doanh nghiệp viễn thông là bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ viễn thông là bên thuê dịch vụ.

    Trong trường hợp mạng viễn thông thường xuyên bị chậm, không đúng chất lượng đường truyền như đã thỏa thuận trên hợp đồng cung ứng dịch vụ, thì theo quy định của điểm e, khoản 1, điều 16, Luật Viễn Thông, bên sử dụng dịch vụ viễn thông được khiếu nại về giá cước, chất lượng dịch vụ; được hoàn trả giá cước và bồi thường thiệt hại trực tiếp khác do lỗi của doanh nghiệp viễn thông.

    Còn theo qui định của khoản 4 điều 524 của Bộ Luật Dân sự, trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt như thỏa thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên thuê dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

    Tuy nhiên, trong trường hợp với việc đứt cáp quang biển này, người sử dụng dịch vụ đã không khiếu nại hay yêu cầu bồi thường thiệt hại.

    Các luật sư cũng cho biết, trong trường hợp người sử dụng dịch vụ viễn thông muốn doanh nghiệp bồi thường cho mình do đường truyền internet chậm so với hợp đồng đã thỏa thuận trước đó, thì người sử dụng cần phải thực hiện bước như: khiếu nại trực tiếp với doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ; chứng minh được chất lượng đường truyền không đáp ứng đúng như thỏa thuận; yêu cầu bồi thường thiệt hại, như phải bỏ tiền ra mua các dịch vụ khác để thay thế...
    Nguồn TBKTSG Online
    2banh
    2banh.vn