1. Biker cấp 4

    Leo núi để làm gì?

    Thảo luận trong 'Phượt' bắt đầu bởi , 7 Tháng năm 2015.

    Tôi muốn tranh luận với tác giả Trần Đình Thu về một số quan điểm xoay quanh việc năm người leo núi ở Nepal làm phiền xã hội. Theo bạn, leo núi Everest là việc nguy hiểm đến tính mạng, không đem lại lợi ích gì, chỉ làm phiền xã hội khi gặp nạn.
    Leo nui de lam gi
    Một "người vận chuyển" Nepal khuân vác đồ lên đỉnh núi cho khách
    đến chinh phục Everest - Ảnh: Reuters






    Cụ thể, tác giả viết:

    "Năm người leo núi họ leo lên núi để làm gì? Tôi không chống lại tinh thần thể thao nhưng thật sự việc leo lên đỉnh Everest quá nguy hiểm. Hiện không có con số thống kê bao nhiêu người chết vì trò chơi thể thao này, mà người ta chỉ đếm được tổng số xác chết đang nằm dọc đường lên đỉnh núi là xấp xỉ 200.(...)

    Tôi nghĩ các người đó nên chứng minh nó bằng những cách khác ích lợi hơn, nếu không đem đến một chút của cải vật chất nào cho bản thân, gia đình hay xã hội thì ít nhất cũng an toàn mạng sống cho họ."

    Nếu ý kiến này là đúng, hẳn tất cả chúng ta nên... đi bộ, vì mỗi năm, có đến 7.000-8.000 người chết do tai nạn giao thông ở Việt Nam. Quá nguy hiểm để đi xe máy!

    Tỷ lệ tử nạn khi leo Everest là 6,5%, thay đổi rất ít qua các năm. Nhưng khi chấp nhận cuộc chơi leo núi, người đi đã chấp nhận luôn tỉ lệ này. Thực tế, trong điều kiện bình thường, với sự chuẩn bị cẩn thận, tôi cảm thấy leo Everest chỉ có mức nguy hiểm như lái xe trên đường quốc lộ ở Việt Nam là cùng. Bất cứ một hành động nào cũng có thể dẫn đến tai nạn. Trong một truyện cười tôi nhớ, cô gái tóc vàng hoe đã dọn ra khỏi ngôi nhà đang sống sau khi đọc thống kê thấy phần lớn tai nạn chết người diễn ra trong... nhà tắm.
    Như vậy, dấn thân vào nguy hiểm không thể là lý do cho chỉ trích 5 người leo núi. Vì trong điều kiện bình thường, leo Everest không phải là việc quá nguy hiểm.

    Về ích lợi? Có nhiều ích lợi, đầu tiên, là cho bản thân người leo núi. Như chính bài viết chỉ ra, leo Everest là một giấc mơ chinh phục đẹp thực hiện được, ngoài ra, là một cách để tôi luyện thể lực, tinh thần, sự dũng cảm... Nhưng những lợi ích này không chỉ có lợi cho bản thân người leo núi. Một người dũng cảm, dám theo đuổi ước mơ, có sức khoẻ tuyệt vời, cởi mở với cái mới (đây là một giá trị cộng thêm quan trọng khi bạn du lịch, vì đi nhiều, thấy nhiều sẽ giúp bạn cởi mở hơn nhiều với khác biệt), có sự khôn ngoan ("Đi cho biết đó biết đây - Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn"), chắc chắn sẽ đóng góp lại cho xã hội như một thành viên tích cực.

    Nói chuyện gần gần, John Wood, cựu giám đốc marketing của Microsoft, sau chuyến đi leo núi Nepal, thấy sự khao khát kiến thức và sách của những đứa bé ở Nepal, đã quyết định nghỉ việc để thành lập Room To Read, một tổ chức NGO kêu gọi đóng góp từ những mạnh thường quân đầu tiên từ Mỹ, để tặng sách, xây thư viện cho trường học ở Nepal. Nói chuyện gần hơn nữa, quốc gia thứ 2 mà Room To Read đến là Việt Nam. Đọc câu chuyện từ "Rời Microsoft để thay đổi thế giới", tự truyện của John Wood, bạn sẽ biết quyết định này đến từ cuộc gặp gỡ với một cậu bé ở Việt Nam của John Wood, dĩ nhiên là trong một chuyến đi đến Việt Nam! Trong những năm gần đây, Room to Read xây nhiều thư viện trên khắp Việt Nam và có nhiều học bổng, chương trình để giúp đỡ các em gái về kỹ năng sống, kiến thức thực tế. Tất cả bắt đầu từ thay đổi, sau một chuyến đi!

    Về chuyện làm phiền xã hội? Theo tôi, "làm phiền" là một từ sai. Đó phải là "kêu cứu". Khi bạn gặp nạn, bạn có quyền kêu cứu và nhận được giúp đỡ. Đó là lẽ thường tình. Nếu bạn gặp tai nạn ngoài phố, những người xung quanh sẽ giúp bạn đứng dậy, hỏi thăm, đưa bạn vào bệnh viện nếu cần. Khi bạn gặp nạn ở Nepal và có thể bị đe dọa tính mạng, bạn dĩ nhiên có quyền kêu gọi sự giúp đỡ từ đại diện của Việt Nam và mọi lực lượng cứu hộ từ quốc gia đó. Họ ở đó là để trợ giúp, trong trường hợp tai nạn. Đó là công việc của họ, chứ không phải làm phiền. Không có “xã hội” chung chung, mà có một lực lượng cứu hộ cụ thể, cần phải thực hiện việc giải cứu như một phần của công việc.

    Cuối cùng, tôi không nghĩ Thanh Niên Online có gì sai trong việc này, như một số chỉ trích nhằm đến tờ báo. Thanh Niên Online đăng ý kiến này trong mục Tôi viết, nơi chia sẻ ý kiến cá nhân, chứ không phải đăng ý kiến của tờ báo. Đây là nơi cho những tranh luận xã hội. Để bắt đầu tranh luận, cách thông minh nhất là đưa ra một ý kiến có vẻ đúng, nhưng không ổn, sẽ gây tranh cãi, khiến mọi người muốn lên tiếng. Một ý kiến ai cũng đồng tình thì đâu có gì để nói tiếp. Chính chia sẻ và tranh luận sẽ đưa chúng ta đến gần nhất với sự thật.
    Nguồn Thanh Niên Online
    Chi Mai

    * Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người viết tự do tại TP.HCM
    2banh
    2banh.vn