1. Biker cấp 3

    Đường dành cho xe đạp đang dần bị thu hẹp

    Thảo luận trong 'Chuyện trò' bắt đầu bởi , 6 Tháng năm 2014.

    Đường Nguyễn Trãi, Hà Nội, làn dành cho xe đạp chật hẹp, gồ ghề với đủ loại "ổ gà", "ổ voi". Nhiều đoạn, còn bị dùng làm nơi họp chợ, đỗ xe, khiến người đi xe đạp phải lán sang phần đường xe buýt. Nhiều vụ tai nạn xảy ra do phải đột ngột rẽ sang nhường đường cho đoàn xe chạy rầm rầm sau lưng.

    Trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, tình trạng ôtô đỗ tràn lan, dân họp chợ trên đường khiến xe thô sơ tràn ra đường của xe cơ giới diễn ra khá phổ biến. Phần đường cho xe đạp hoạt động ở Hà Nội ngày càng bị co hẹp. Thậm chí, trên nhiều con đường, không hề có sự phân chia làn đường cho từng loại phương tiện.

    Đường xe đạp gồ ghề "ổ voi"

    Phần đường dành riêng cho người đi xe đạp trên đường Nguyễn Trãi khá xấu, đường gồ ghề với đủ loại "ổ gà", "ổ voi". Anh Dương, chủ nhà 129 Nguyễn Trãi, cho biết, do tránh mấy cái hố ga nên người đi xe đạp điện thường lấn vào đường xe buýt. Khi thấy xe buýt chạy đằng sau, họ luống cuống tạt sang. Một số người đã bị trượt bánh xe, may mà không ngã vào gầm xe buýt.

    Ngày ngày, Hoàng Anh Tuấn, sinh viên khoa Tin học - ĐH Thủy Lợi, vẫn đạp xe đến trường. Đối với Tuấn, phải đi trên đường Nguyễn Trãi là một cực hình. Đi vào đường dành cho xe cơ giới thì cậu không dám bởi sợ tai nạn. Để tránh mấy cái ổ gà, ổ voi trên đường cho xe đạp, chốc chốc Tuấn lại phải "lượn" vào đường dành cho xe buýt.

    "Nguy hiểm nhất là những đoạn gập gồ, có nắp hố ga hỏng. Lắm khi mải suy nghĩ, phi cả vào ổ gà mới biết. Cuống nhất là khi thấy xe buýt chạy vù vù, bóp còi inh ỏi ngay sát bên cạnh", Tuấn cho biết thêm.

    Duong danh cho xe dap dang dan bi thu hep
    Đường xấu, nắp hố ga hỏng trên đường Nguyễn Trãi khiến người đi xe đạp thường xuyên phải "lán" sang đường dành cho xe buýt

    Kinh nghiệm sau những lần ngã xe, Trần Công Thành, học lớp 8 trường THCS Nguyễn Trãi hồn nhiên: "Làm gì có đường dành riêng cho xe đạp. Xe máy, xe đạp và cả ôtô đều thoải mái giành đường để đi. Bị xe máy quệt nhiều, giờ em chẳng sợ nữa".

    Ôtô con đỗ tràn lan trên làn xe đạp

    Trên những tuyến luôn tấp nập phương tiện qua lại như Giải Phóng, Xuân Thủy, Trần Nhật Duật, Trần Khát Chân..., phần đường dành cho người đi xe đạp lâu nay đang bị chiếm dụng làm nơi bán hàng, đỗ xe. Mặc dù, làn đường dành riêng cho loại phương tiện khá phổ thông này có diện tích rất khiêm tốn so với đường dành cho xe cơ giới.

    "Phố Trần Khát Chân rộng rãi nên ôtô đỗ kín hai bên đường. Xe đạp không biết đi vào đâu, đành phải tạt sang làn xe cơ giới", chị Hương, phố Trần Khát Chân, ngậm ngùi nói.

    Cùng lưu thông với xe máy, xe con, xe buýt, người điều khiển xe đạp dễ gặp nguy hiểm nhất. Ngồi đón con ở cổng trường Tiểu học Kim Đồng, chị Kim Thanh, nhà ở phố Đội Cấn không ngớt phàn nàn về tình trạng xe buýt, taxi đi ẩu. Đã mấy lần, cả hai mẹ con chị ngã trên đường vì bị xe quệt. "Tôi luôn không yên tâm khi con trẻ đi xe đạp trên đường phố. Đường đông, xe nhiều, trẻ con đi lại rất nguy hiểm", chị Thanh phàn nàn.

    Bà Loan (phố Nguyễn An Ninh), cho hay, bà rất sợ khi đi xe đạp trên đường phố hiện nay. Theo bà, xe buýt đi lại nhiều, trong khi điểm đỗ xe buýt nằm trên đường dành cho người đi xe đạp. Gần đến bến, "hung thần" này tấp vào nhanh khiến người đi xe đạp dễ "đau tim".

    Duong danh cho xe dap dang dan bi thu hep - 2
    Đường dành cho xe đạp trên phố Trần Nhật Duật thường được dùng làm nơi đỗ xe ôtô.

    Dưới góc nhìn của một chuyên gia quy hoạch, ông Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hiệp hội đô thị Việt Nam, nhận xét, giao thông Hà Nội mắc nhiều lỗi về kỹ thuật đô thị. Ví dụ, trên đường không ghi rõ làn cho từng loại phương tiện hoặc kẻ vạch sơn cho từng loại phương tiện. Vậy nên, các loại xe luôn xung đột nhau, gây tai nạn.


    Trả lại lòng đường cho các phương tiện, Sở GTCC Hà Nội đang tiến hành giải tỏa mạnh mẽ các điểm đỗ xe tại đường Trần Nhật Duật, Láng Hạ, Đoàn Trần Nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan này cũng tiến hành tháo dỡ tuyến có dải phân cách hộ lan như đường Phạm Văn Đồng để xe đạp, xe đạp điện lưu thông thuận lợi, thay vì đảm bảo an toàn cho người đi xe đạp.
    2banh
    2banh.vn