1. Biker tích cực

    Dịch vụ kết nối xe ôm thông qua điện thoại thông minh

    Thảo luận trong 'Chuyện trò' bắt đầu bởi , 15 Tháng mười hai 2014.

    Khi số lượng xe máy tại Việt Nam đã lên đến gần 40 triệu chiếc, cơ hội cho một mô hình kinh doanh mới lại mở ra. Đó chính là câu chuyện của GrabBike, dịch vụ kết nối chủ xe máy (xe ôm) với người có nhu cầu di chuyển thông qua điện thoại thông minh (smartphone) được GrabTaxi thử nghiệm tại TP.HCM từ giữa tháng 11 vừa qua.

    Dich vu ket noi xe om thong qua dien thoai thong minh
    "Smart" xe ôm dịch vụ kêu xe ôm thông qua điện thoại thông minh

    “Tại sao phải chịu đựng tình trạng kẹt xe hàng ngày? Chúng ta có quá nhiều xe máy nhưng phần lớn chỉ chở một người mỗi khi lưu thông. Giả sử mỗi xe máy đều chở hai người, số lượng xe máy trên đường sẽ giảm còn phân nửa. Mô hình GrabBike có thể giúp hiện thực hóa viễn cảnh đó”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành GrabTaxi Việt Nam, chia sẻ.

    Tại Việt Nam, xe máy là một phương tiện giao thông phổ biến. Xe máy có lợi thế là tính cơ động cao, chi phí lại cạnh tranh hơn taxi nên vẫn được đa số khách hàng bình dân lựa chọn. Tuy nhiên, hành khách “xe ôm” vẫn còn gặp nhiều vấn đề như giá cả không rõ ràng, tranh giành hoặc lừa gạt vì đa số là hoạt động kinh doanh tự phát.

    Để giải quyết những vấn đề trên, mô hình GrabBike sử dụng chung hệ thống với ứng dụng gọi taxi qua smartphone của GrabTaxi; và có cách vận hành tương tự. Người dùng chỉ cần chọn quãng đường cần di chuyển và phương tiện là taxi hoặc xe máy, ứng dụng sẽ tự động tìm kiếm những tài xế ở lân cận và thông báo cước phí. Nếu như cước phí taxi phụ thuộc vào quy định của từng hãng xe, thì cước phí xe máy hiện được Công ty tính toán ở mức 15.000 đồng/1,5 km di chuyển. GrabBike hưởng 20% trên cước phí mỗi chuyến xe ôm kết nối thành công.

    Theo ông Tuấn Anh, mức cước cho phương tiện xe máy như trên là thấp hơn so với giá tiền trung bình các tài xế xe ôm tại TP.HCM đang thu được. Tuy nhiên, Công ty cũng đã có lộ trình giảm mức cước này khi số lượng cuốc xe trung bình mỗi ngày và số lượng tài xế xe máy tham gia hệ thống tăng lên.

    “Một bác xe ôm siêng bắt khách tại TP.HCM có thể đi được 5-6 cuốc/ngày. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của GrabBike, bây giờ các tài xế xe ôm trong hệ thống có thể đi được trung bình đến 15 cuốc/ngày. Với cước phí bình quân 30.000 đồng/cuốc, thu nhập của họ đã được tăng lên đáng kể. Những hành khách có nhu cầu sử dụng phương tiện này cũng được lợi nhờ tìm xe dễ dàng, biết được thông tin người sắp chở mình và không phải tự thương lượng tiền xe như trước”, đại điện GrabTaxi cho biết.

    Dù mang lại nhiều lợi ích cho cả hai phía, nhưng một ý tưởng mới khi đưa vào vận hành sẽ luôn gặp phải nhiều vấn đề. Từ khâu tuyển chọn nhân sự, kiểm soát chất lượng dịch vụ cho đến việc bảo vệ quyền lợi cho tài xế và khách, tất cả đều phải được tính toán kỹ lưỡng vì mô hình kinh doanh này còn quá non trẻ.

    “Trong thời gian thử nghiệm, GrabBike đang tập trung hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử cho tài xế và những quyền lợi mà các bên sử dụng dịch vụ được hưởng. Ví dụ, tài xế có xe máy muốn tham gia, ngoài những giấy tờ pháp lý cơ bản thì họ bắt buộc phải có bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe. Ngoài ra, GrabBike còn buộc tài xế phải đáp ứng những tiêu chuẩn khác từ văn hóa ứng xử cho đến cả vệ sinh cá nhân. Vì hành khách có thể chấm điểm tài xế của mình thông qua ứng dụng di động, nên những tài xế vi phạm nhiều lần sẽ bị loại khỏi hệ thống”, ông Tuấn Anh nói.

    Trên thực tế, trước khi GrabBike xuất hiện, đã có một mô hình kết nối tài xế xe ôm với hành khách hoạt động tại Hà Nội. Đó là dịch vụ Aloxeom do Công ty Cổ phần TechniVN vận hành. Hành khách sử dụng Aloxeom gọi đến tổng đài và thông báo đoạn đường cần di chuyển. Đơn vị này sau đó sẽ báo cước phí qua SMS và cử tài xế đến đón. Theo trang tin công nghệ TechinAsia, mức cước của Aloxeom là 6.000 đồng/km và đơn vị này hưởng 15% trên cước phí mỗi chuyến kết nối thành công.

    Hiện tại, GrabBike mới chỉ được thử nghiệm tại TP.HCM. Tuy nhiên, nếu nhận được phản hồi tích cực từ thị trường, Hà Nội sẽ là điểm đến tiếp theo của mô hình kinh doanh này. Trong bối cảnh công ty mẹ của GrabTaxi ở Malaysia lại vừa nhận thêm 250 triệu USD vốn đầu tư để mở rộng thị trường tại Đông Nam Á, rõ ràng cơ hội ở thị trường “xe ôm” phần nào đang nghiêng về phía đối thủ ngoại.

    “Đúng là chúng tôi có nhiều lợi thế từ tài chính cho đến nền tảng sẵn có, nhưng điều quan trọng hơn mà GrabTaxi muốn hướng đến là phát triển một nền kinh tế chia sẻ trọn vẹn hơn tại Việt Nam. Như trường hợp của GrabBike, ai cũng có thể tham gia làm tài xế để kiếm thêm thu nhập một cách an toàn và hợp pháp. Công ty cũng đang chờ đợi quyết định cuối cùng của Nhà nước liên quan đến mô hình chia sẻ xe ôtô. Nếu được pháp luật cho phép và tạo điều kiện, GrabTaxi sẽ tham gia hình thức kinh doanh này tại Việt Nam”, đại diện Công ty khẳng định

    Nguồn: nhipcaudautu.vn
    2banh
    2banh.vn