1. Biker cấp 2

    Đi tìm cội nguồn giấc mơ Cha Pi

    Thảo luận trong 'Phượt' bắt đầu bởi , 11 Tháng tám 2017.

    Từ những năm tháng còn sinh viên, tôi đã ấp ủ giấc mơ đi tìm những người Raglai và nghe họ chơi cây đàn huyền thoại này. Một thời gian sau, khi tôi bắt đầu tìm hiểu về người Raglai và đàn Chapi, tôi mới biết ngay chính trong cộng đồng người Raglai, còn rất ít người biết làm và biết chơi đàn Chapi.
    Giáp Tết, nghe tin một người anh có kế hoạch sau Tết đi Ninh Thuận để tìm gặp một trong những người Raglai cuối cùng chơi đàn Raglai, tôi ngay lập tức hẹn đi cùng anh. Và với sự hỗ trợ của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Tỉnh Ninh Thuận và cán bộ địa phương, chúng tôi đã được nghe tiếng đàn Chapi, được thỏa Giấc mơ Chapi.
    Hành trình đi tìm giấc mơ Chapi đưa chúng tôi đi qua những làng quê thanh bình

    Di tim coi nguon giac mo Cha Pi

    Di tim coi nguon giac mo Cha Pi - 2

    Di tim coi nguon giac mo Cha Pi - 3

    Sau hơn 45 km từ Phan Rang, chúng tôi đến Ma Nới. Nhờ sự giúp đỡ của một thầy giáo ở làng, chúng tôi gặp được Ama Chamalé Âu, người Raglai cuối cùng biết chơi đàn Chapi ở vùng Ma Nới.

    Chúng tôi có dịp chứng kiến một phần việc chế tác cây đàn huyền thoại

    Di tim coi nguon giac mo Cha Pi - 4

    Di tim coi nguon giac mo Cha Pi - 5

    Sau đó, Ama Âu dẫn chúng tôi vào bếp, nơi đây cũng là nơi chứa thóc và cất dụng cụ đi rẫy của ông. Ông ngồi xuống bên đống thóc và đàn Chapi, ông đàn 3 bài, giải thích ý nghĩa của từng bài như mừng lúa mới, vui trúng mùa, ...

    Di tim coi nguon giac mo Cha Pi - 6

    Tiếng đàn Chapi không lớn, nhưng rất đặc biệt, hoàn toàn không giống các nhạc cụ dân tộc khác. Nghe đàn, tưởng như mình đang ở giữa núi rừng (mà chúng tôi đang ở giữa núi rừng thật mà), nghe như người Raglai đang trò chuyện vui vẻ, trầm bổng với mình. Đàn Chapi phù hợp để chơi khi người ta ngồi với nhau, chứ không phải chơi giữa không gian rộng lớn như cồng chiêng hay đàn tơ-rưng. Quả thật, lúc đó tôi hiểu tại sao lại "khi nghe Chapi không còn cô đơn" cũng như "không buồn, không vui".

    Chúng tôi còn được nghe ông chơi hai loại kèn khác của người Raglai. Chia tay Ama Chamalé Âu, chúng tôi rất hạnh phúc vì được biết cây đàn Chapi, nghe tiếng đàn Chapi, cây đàn đặc biệt và đang dần bị mai một. Ama Âu là người rất tâm huyết, chúng tôi hy vọng và tin rằng ông sẽ dạy được cách làm đàn và chơi đàn cho nhiều người nữa, để cây đàn nổi tiếng này không mất đi, như nhiều giá trị văn hóa khác.

    Ghi rõ nguồn Phuot.vn và tên tác giả khi phát hành lại thông tin này.

    Nguồn: Nam Nguyen
    2banh
    2banh.vn